Người thật sự tu hành là người như thế nào?
Hiện tại rất nhiều người hiểu lầm. Cho rằng là gì? Niệm Phật là tu hành, lạy Phật là tu hành, tụng kinh là tu hành, niệm chú là tu hành. Có phải không? Chưa chắc. Miệng niệm A Di Đà Phật, trong tâm lại vọng tưởng, đó không phải gọi là tu hành.
Như thế sao gọi là tu hành được? Cổ đại đức cho rằng: miệng niệm Di Đà tâm tán loạn, hét rách cổ họng cũng hoài công, đó chính là nói họ không phải là tu hành. Thực sự dùng A Di Đà Phật để tu hành, đó là sự việc gì? Trong tâm có Phật A Di Đà, trong miệng có Phật A Di Đà, đem tất cả những tạp niệm vọng tưởng đều buông bỏ hết, niệm cho hết nó, dùng một điều để đối phó tất cả vọng niệm, đây là tu hành, là thực sự tu hành.
Đọc kinh phải chăng là tu hành? Đúng vậy. Không đọc kinh thì vọng tưởng. Tôi đọc kinh thì không có vọng tưởng nữa, ý niệm của tôi đều ở nơi kinh văn, đó là tu hành. Vừa đọc kinh vừa suy nghĩ xem câu này có ý nghĩa gì, đoạn kia có ý nghĩa là gì, đây không phải là tu hành, đó vẫn là đang vọng tưởng. Nhưng vọng tưởng này là thiện, không phải là ác. Bất luận là quí vị thiện hay ác, nói chung đều là đang vọng tưởng, quí vị đang tăng trưởng vô minh. Vì sao vậy? Không đạt được định. Nương theo những phương pháp này mà tu hành, quí vị phải đắc định mới được.
Trì giới, có rất nhiều người trì giới luật rất tốt. Họ đang tu hành sao? Bản thân họ cho rằng là tu hành, quí vị xem người khác không bằng tôi, giới tôi trì tốt như vậy. Đối với những người không trì giới kia họ nhìn thấy thì chán ghét, bản thân tự cho rằng rất giỏi dang, tăng trưởng phiền não. Quí vị xem trì giới, vốn là đắc định khai trí tuệ, họ trì giới trì được khá tốt, kết quả họ đạt được là gì? Họ đạt được là phiền não, đạt được là cống cao ngã mạn, đạt được là khinh mạn người khác. Sai rồi! Cho nên hai chữ tu hành chúng ta phải hiểu cho rõ ràng. Có thể thực sự giúp đỡ quí vị hóa giải phiền não, giúp quí vị tiêu trừ tập khí, đây mới gọi là tu hành.
Pháp sư Tịnh Không