Làm mà thấy mình có làm là một cái họa
Nếu chấp công, lại không kín đáo, khoe khoang công của mình cho người khác biết thì về lâu dài, chúng ta sẽ không duy trì được việc làm phước của mình, tất cả sẽ bị đổ vỡ. Vì thế, tận tụy hàm nghĩa siêng năng nhưng là sự siêng năng trong thầm lặng.
Có thể chúng ta rất siêng năng, tận tụy làm việc cho người khác nhưng làm rồi cứ nhớ mãi và nói cho mọi người biết công lao của mình, tâm chấp công sẽ dần dần tăng lên. Càng làm được nhiều bao nhiêu, sự chấp công của chúng ta càng tăng lên bấy nhiêu.
Chấp công sẽ tạo ra kiêu mạn và qua kiếp sau sẽ xuất hiện hai quả báo:
Điều làm lợi cho người khác sẽ đem lại vinh quang, nhưng kiêu mạn đem đến cho chúng ta sự hống hách, kiêu ngạo, tự cao, coi thường người khác …Tất cả những điều ấy chuẩn bị cho một sự đổ vỡ ở nhiều kiếp sau, điều này rất nguy hiểm . Như vậy, làm mà thấy mình có làm là một cái họa.
Tuy có phước trước mắt nhưng đổ vỡ, đau khổ, hèn kém sẽ chờ đợi mình ở nhiều kiếp sau.
Thực ra, không cần đến nhiều kiếp sau, ngay trong kiếp này, nếu cứ chấp công, làm gì cũng nhớ công, tâm cứ khoe công mình thì quả báo cũng xảy ra ngay. Chúng ta sẽ bị rơi vào một hoàn cảnh nào đó: hoặc bị đau ốm, hoặc bị một tai nạn bất ngờ…để không thể làm việc được nữa. Lúc ấy, chúng ta chỉ có thể nhờ vào người khác để trả lại tư tưởng chấp công của mình.
Không chấp công là hành động rất đạo đức, trí tuệ
Tư tưởng cậy công nguy hiểm như vậy nên chúng ta cần phải tránh. Có hai cách giúp chúng ta tránh tư tưởng cậy công, làm mà vẫn không thấy mình làm gì:
– Cách thứ nhất là làm mọi việc nhưng lúc nào chúng ta cũng giữ chánh niệm trong công việc:
Nếu lúc nào cũng giữ tâm trong chánh niệm, trong chánh định thì tự nhiên chúng ta làm mà không thấy mình làm. Điều này rất vi diệu, lạ lùng không thể giải thích được.
Ví dụ, một ngày nào đó, trong chùa có việc, quý Phật tử vào làm công quả: nấu cơm, chẻ củi, dọn dẹp… nhưng khi làm việc lúc nào cũng giữ câu niệm Phật trong tâm. Những người như vậy có phước sẽ vào định luôn. Hoặc có khi cả ngày chúng ta làm việc vất vả nhưng khi có người hỏi ngày nay làm được việc gì, ngẫm nghĩ mãi cũng thấy mình làm gì đó nhưng tự nhiên không thấy mình có làm nữa. Đây không phải là đạo lý gì cao siêu mà do định đã đạt được nên tự nhiên như vậy. Cái định thật vi diệu! Chính Đức Phật chúng ta từng thuyết pháp suốt cuộc đời 45 năm, cuối cùng cũng tự nhận: “45 năm ta chưa hề nói một lời”. Nói như vậy vì Ngài đã thuyết pháp trong chánh định.
Vì vậy, người giữ tâm trong chánh niệm, chánh định khi làm việc, nói năng sẽ không có tư tưởng chấp công. Hiểu được điều này, chúng ta cố gắng tận tụy làm lụng cho mọi người nhưng phải giữ tâm tu hành, lúc nào cũng giữ tâm trong thiền định, tùy theo pháp môn mình đang tu tập.
– Cách thứ hai để diệt trừ tâm cậy công, chấp công là chúng ta phải tác ý suy nghĩ:
Dù làm được việc, chúng ta cũng nghĩ những điều mình làm được trong những năm tháng qua chưa đáng gì so với chư Thánh, chư Phật, chư Bồ Tát. Các Ngài trong vô lượng kiếp đã làm biết bao nhiêu điều đem lại lợi ích cho chúng sinh. Nhờ suy nghĩ như vậy, chúng ta không rơi vào tư tưởng chấp công, tránh được quả báo về sau. Đó là hai cách giúp chúng ta tuy làm rất nhiều mà vẫn không thấy mình làm điều gì hết.
Để giữ được ý nghĩa của tận tụy, chúng ta cũng cần lưu ý một điều là nên làm mọi điều một cách thầm lặng, tránh tâm niệm muốn mọi người biết đến việc làm tốt của mình. Có như vậy, công việc chúng ta làm mới được bền bỉ. Nếu chấp công, lại không kín đáo, khoe khoang công của mình cho người khác biết thì về lâu dài, chúng ta sẽ không duy trì được việc làm phước của mình, tất cả sẽ bị đổ vỡ. Vì thế, Tận tụy hàm nghĩa siêng năng nhưng là sự siêng năng trong thầm lặng.
TT. Thích Chân Quang