Hiểu để thương nhau nhiều hơn

Là một người từng làm nghề lao động tự do suốt mười mấy năm nơi Sài Gòn hoa lệ, trên bước đường cơm áo đó tôi chứng kiến biết mấy lần những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Chúng bất hạnh không gia đình, người thân.

Chúng đói khát lang thang trên muôn nẻo đường. Khoảnh khắc ấy như chạm vào trái tim tôi rung lên cảm xúc xót thương vô cùng.

Dòng người vội vã cứ thế lướt ngang những đứa trẻ giữa bộn bề lo toan. Người ta không có nhiều thời gian. Người ta sợ lừa đảo. Người ta vô tâm. Nhưng tôi không thể dửng dưng cất bước đi mặc cho vừa nhìn thấy điều gì.

Tôi không phải là Phật tử nhưng rất tin những lời Phật dạy. Trong muôn ngàn điều hay lẽ phải, tôi nhớ nhất câu : ” cứu một người hơn xây bảy tháp phù đồ”. Và lời nói chỉ thật sự ý nghĩa khi nó được áp dụng thực tế.

Không suy nghĩ gì nhiều, từ sâu thẳm trong con người tôi bỗng trỗi dậy lòng trắc ẩn. Ngay lúc đó, tôi chạy đến đứa trẻ nghèo đang thiếu đói cho nó chút tiền dù biết đồng tiền tôi kiếm được cũng không dễ dàng gì. Đứa trẻ ngước nhìn đôi mắt long lanh suối nước. Nó cảm ơn tôi rồi mừng rỡ chạy đi mua đồ ăn.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Việc tôi vừa làm không phải là ra tay kéo ai đó đang sắp sửa rơi xuống vực thẳm nhưng ít ra cũng là đem đến những bữa ăn cho đứa trẻ kém may mắn. Tôi nhận ra đôi khi cho đi một thứ gì đó đúng thời điểm, đúng người nó sẽ có ỹ nghĩa rất lớn. Đó là tinh thần nhân văn giữa người đối với người. Đó là lòng tử tế tốt đẹp cần gìn giữ trong cuộc sống này. Không những vậy còn mang lại niềm hạnh phúc cho cả người cho và người nhận : đứa trẻ đỡ đói và tôi nhẹ lòng.

Đêm về trong tôi nhẹ nhõm cả tâm hồn. Tôi không hề áy náy với đứa trẻ. Tôi không nghe lòng trách mình vô tâm. Bởi tôi biết mình đã làm đúng như lời Phật dạy.

Đạo Phật là tôn giáo không quá nhiều hà khắc trong quy định cấm kị. Những điều Phật dạy chỉ là muốn dẫn dắt chúng sinh đi theo con đường đúng đắn và thiện lành. Lúc nào điều thiện cũng được đặt lên trên hàng đầu.

Cuộc sống là vô thường. Vật chất đồ sộ bao nhiêu cũng thành vô nghĩa khi một mai rời xa nhân thế. Hơn thua, hận thù nhau chỉ làm bản thân chìm trong khổ đau không lối thoát. Có lẽ khi chúng ta không còn ở trên đời này nữa điều duy nhất ở lại là tình người với nhau.

Trong đạo Phật, từ bi gắn liền với trí tuệ. Không hiểu, không thể thương yêu muôn người. Hiểu chính là nền tảng của tình thương yêu. May thay, tôi đã từng hiểu số phận của đứa trẻ nghèo đường phố. Rằng nếu đứa trẻ ấy có một gia đình hạnh phúc cần chi nó phải đi xin người này người kia, cần chi phải lang thang vô định như thế.

Nhưng chữ ” hiểu ” tưởng dễ học lại khó vô cùng. Bởi chỉ khi chúng ta đặt mình ở vị trí của ai đó, bước vào cuộc đời họ mới thấu cảm họ mà thôi trách móc, giận hờn. Tiếc rằng nhiều người chưa thật sự ” hiểu”. Người ta không hiểu đời mà cũng không hiểu mình.

Người ta luôn mải miết kiếm tìm hạnh phúc và sự bình yên ở một nơi nào đó rất xa. Ai hay điều diệu kỳ lại nằm chính ở trong tâm của mình. Quan trọng là cách cảm nhận và cách sống.

Nếu bản thân tự thấy hạnh phúc thì cuộc đời sẽ hạnh phúc. Còn không, mãi mãi nhìn đời với đôi mắt yếm thế. Nghĩa là phải thật sự cảm nhận từng khoảnh khắc tuyệt vời mình có được bằng trái tim sâu sắc.

Đôi khi tiếng cười của đứa trẻ chay ngang ngõ nhà cũng đem lại cho con người ta niềm hạnh phúc vô tận. Có lúc đóa hoa nở bên thềm tỏa hương ngát cũng sẽ đem lại bình yên trong tâm hồn. Nhưng con người không mấy khi nhận ra mà vô tình để khoảnh khắc ấy lướt ngang qua. Con người chỉ nghĩ hạnh phúc là phải có cuộc sống vật chất đủ đầy, đa số là như vậy. Cứ thế mà chúng sinh hòa mình trong sự tranh giành, đua chen và mãi lẩn quẩn không lối thoát. Cái tôi trỗi dậy với bản năng tham lam, ích kỷ và bạo lực. Không ai muốn mình chịu thua đối phương. Thử hỏi chúng ta từ bi một chút có được không ? Nhịn nhường nhau một chút có được không ?

Tôi thừa nhận từng vì cuộc sống lo cho bản thân và gia đình mà ganh đua, giành giật. Bây giờ thì khác. Bây giờ cũng mưu sinh vì cuộc sống luôn tiếp diễn có khác là tôi rộng lượng với đời, với người hơn nhiều.

Tôi chấp nhận để ai đó cướp lấy chén cơm của mình trong cuộc tranh giành không cân sức dù biết điều đó là tàn nhẫn với bản thân. Nhưng tôi thấy mình vẫn nhận lại nhiều điều. Tôi nhận lại sự an yên không nhiều mối bận tâm đa đoan. Tôi hạnh phúc vì vừa nhường người ta bữa cơm ngon. Người ta hẳn cũng khổ mới đua chen thôi. Tôi hiểu hết mà.

Tôi càng hiểu sâu sắc khi khắc đậm tâm trí lời dạy của Phật: “Hãy yêu cả thế giới như tình yêu của người mẹ dành cho con mình”. Thế mới biết tình yêu thương trên đời không có giới hạn. Nó vượt qua mọi rào cản địa lý và địa vị để kết nối con người trên khắp thế giới.

Chúng ta thường nghĩ đơn thuần gia đình là nơi ta có những người thân ruột thịt. Nhưng thực ra cả thế giới đều là gia đình. Bởi suy cho cùng tất thảy mấy tỷ người đông đúc đều có chung tổ tiên xa xưa lúc loài người mới hình thành. Tất cả chúng ta là đồng loại.

Khi hiểu và mở rộng phạm vi gia đình lòng người sẽ rộng mở biết trao sự yêu thương và luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác. Thế giới trong con mắt mỗi người sẽ khác rất nhiều, sẽ tươi đẹp hơn bao giờ hết. Lúc đó, triệu trái tim sẽ hòa chung nhịp đập, sẽ đồng điệu và cảm thấu nhau. Loài người gần nhau, yêu thương nhau.

Mỗi ngày sống phải làm việc gì thật tốt đẹp giàu tính nhân văn, lương thiện. Mỗi người chúng ta phải sống có đạo đức như lời Phật dạy. Đừng để phần con chiếm ưu thế làm lu mờ đi phần người đẹp đẽ nơi trái tim và tâm hồn.

Hỡi tất cả những ai đang sống trên cõi đời này hãy buông bỏ hận thù, thôi nói lời cay độc, dừng tạo nghiệp lại mà hãy hòa ái nói lời tốt đẹp, làm nhiều việc tốt. Đó chính là tu nhân tích đức. Đó chính là những điều đạo Phật muốn con người hướng đến.

Tôi thấy mình may mắn vì có cơ hội biết đến đạo Phật. Đạo Phật trong tôi là liều thuốc diệu tuyệt xoa dịu vết thương bên trong, đem đến cho tôi những an yên mỗi đêm về. Đạo Phật trong tôi là ánh sáng rực rỡ soi rọi tâm trí giúp tôi giác ngộ và sống thiện lành. Đạo Phật trong tôi là người thầy minh triết dạy muôn điều triết lý thay đổi tâm tính và cách sống trong tôi mãi mãi.

*Bài dự thi được gửi từ tác giả: Nguyễn Thị Xí. 

Bình An