Phật trong tôi, tôi trong Phật
Chỉ cần một ngày tôi còn sống, tôi sẽ không bao giờ bỏ đạo Phật và sống xa rời chánh pháp…
Ngày ở miền Bắc, tôi rất thích đi chùa, chùa chiền là nơi tôi cảm thấy thân tâm mình an lạc. Được gần Phật, pháp, tăng cùng các bạn đồng tu với tôi là một loại phước báu vô cùng lớn. Được tiếp thu tinh hoa của đạo Phật thông qua lời dạy của các sư thầy, tâm tính tôi đã thay đổi, tôi dần được khai tâm mở tuệ, tính cách cũng tươi mát hơn, là một nguồn tích cực cho bạn bè xung quanh. Sống dưới sự bảo bọc của Phật, Pháp, Tăng cùng chúng bạn trông tôi tươi mát như một đứa trẻ, ấy vậy mà tôi – một cô bé chưa trưởng thành với suy nghĩ “trong tất cả các bộ kinh, thì đứng đầu là kinh tế”. Tôi không thể ngồi ở nhà yên tâm tụng kinh khi gia đình tôi còn đang khó khăn được, có thực mới vực được đạo, tôi phải kiếm tiền để lo cho gia đình và người thân xung quanh. Tôi quyết định Nam tiến để lập nghiệp…
Bước chân xuống Sài Gòn tôi đã bị ngột ngạt trước bầu không khí quá náo nhiệt nơi đây. Sài Gòn là thành phố phát triển kinh tế, cũng vì vậy mà người ta không từ thủ đoạn nào để tìm cách gạt nhau, tôi đã nhận được lời cảnh báo như thế trước khi đến mảnh đất này. Vào Sài Gòn chưa được một tuần, tôi bị lừa mất hết sạch tiền và điện thoại, một thân một mình vào Sài Gòn, không người thân, không một kế hoạch dự phòng, nay tôi thậm chí còn không còn giá trị tài sản nào trong người. Không thể điện cho gia đình vì không muốn gia đình mình phải lo. Tôi của lúc đó rất sợ, tôi bơ vơ, lạc lõng, ngước mặt lên trời và tự hỏi tại sao chuyện này lại xảy ra với mình.
Và rồi như một thói quen, tôi lại tìm đến cửa Phật, ngôi chùa nhỏ nằm ở quận Bình Thạnh. Bước vào cổng chùa, một không khí thân thương ập đến như ôm tôi vào lòng. Sự tủi thân trong tôi vỡ oà khi tôi quỳ trước tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, tôi khóc, nước mắt cứ thế rơi lã chã, tiếng khóc cứ thế lớn dần thành tiếng nấc đến nghẹn người. Vừa buồn, vừa tủi, vừa đói, lúc đó có một sư cô đi ngang qua, định bụng rằng sẽ không xin ăn nơi cửa Phật, nhưng tôi đói quá, trước khi bóng sư cô khuất sau dãy hành lang tôi đã kịp hỏi:
– Bạch sư cô, chùa mình có gì ăn không ạ?
– Con đói hả, xuống đây cô lấy đồ ăn cho con ăn
Mò mẫm trong tủ lạnh một lúc còn ít cơm và thức ăn, sư cô bày ra cho tôi ăn:
– Con bé nó đói quá, tôi đang kiếm gì đó cho nó ăn
Sư cô bên cạnh thấy thế bảo
– Ơ kìa, hâm nóng đồ ăn lên cho bé chứ, để lạnh thế này sao bé ăn được
Trong tôi lúc đó trào lên một sự xúc động khó tả, tôi thấy biết ơn quá. Hoá ra… chỉ có tôi bỏ đạo, còn đạo chưa bao giờ bỏ tôi. Bát bún ngày hôm đó tôi ăn, là bát bún ngon nhất từ trước đến giờ, ngon không phải vì gia vị, ngon vì đó là bát bún thấm đẫm tình thương và sự biết ơn của tôi. Kì thực, nếu không có bát bún hôm ấy, có thể tôi sẽ lả đi vì đau dạ dày mất. Vào lúc tôi khốn khó nhất, khi xung quanh tôi không có ai, cánh cửa đạo Phật đã rộng mở để đón tôi về. Ngay từ lúc đó, tôi đã phát nguyện rằng chỉ cần một ngày tôi còn sống, tôi sẽ không bao giờ bỏ đạo Phật và sống xa rời chánh pháp.
Cũng đã nửa năm kể từ ngày ấy, cuộc sống tôi đã ổn hơn một chút dù còn nhiều thiếu thốn, vào mỗi dịp cuối tuần tôi vẫn hay chạy lại các chùa xin làm công quả. Nếu ngày trước tôi vào chùa là vì hoàn cảnh đưa đẩy thì bây giờ tôi vào chùa vì sự lựa chọn.
2500 sau ngày Đức Phật nhập diệt, cũng là thời của chúng ta đây, còn được gọi là thời Mạt Pháp. Thời kì có giáo Pháp nhưng không được thực hành, con người đã không còn tinh tiến tu tập, người đắc quả vị càng không có. Đầy rẫy những sự việc kẻ tà đạo mặc áo chư Tăng, núp bóng từ bi để lộng hành làm thối thất tâm bồ đề của chúng sinh đi rất nhiều. Riêng với người đã được đạo Phật cứu rỗi, đó chỉ như một dấu chấm đen trên nền giấy trắng. Một ngày còn sống là một ngày tôi nguyện sống theo giáo Pháp của Đức Thế Tôn và giao phó hạnh phúc của mình cho Tam Bảo. Nguyện đem công đức này hồi hướng về khắp tất cả đệ tử và chúng sinh đều trọn thành Phật Đạo.
*Bài dự thi được gửi từ tác giả Vũ Thị Kiều Trinh; địa chỉ: Võ Thị Sáu, Tân Định, Đa Kao, quận 1, TP.HCM.
Trúc Pháp Hạnh Nhi