Chụp ảnh chim như thế bằng mười bẫy chim

Chỉ để có một tấm ảnh chụp ảnh chim theo ý chí chủ quan của mình là đẹp, nhiều người đã lôi ba chú chim trẩu con ra khỏi hang, cột dây vào chân chim để chụp ảnh…

Chụp ảnh chim như thế bằng mười bẫy chim - Ảnh 1.

Miệng hang ban đầu của chim trẩu – Ảnh: HUY THỌ

Chiều 2-4, số đông những người đam mê chụp ảnh chim thiên nhiên đã vô cùng bức xúc khi xem một clip trên trang fanpage Chim hoang dã Việt Nam.

Clip có nội dung tố cáo một số tay máy đã bắt ba chú chim trẩu non ra khỏi hang, rồi cột dây vào chân và đặt trên một cành cây nhỏ cắm giữa trưa nắng Sài Gòn xấp xỉ 40 độ!

Chụp ảnh chim như thế bằng mười bẫy chim - Ảnh 2.

Một chú trẩu non bị lôi ra khỏi hang – Ảnh: Hội bảo tồn chim hoang dã Việt Nam VBCS

Khoảng một tuần nay, giới yêu thích chụp ảnh chim thiên nhiên ở TP.HCM tập trung về một bãi cỏ ở Phú Mỹ Hưng, quận 7 để chụp đôi chim trẩu đang đắm đuối nuôi con.

Loài trẩu này đào hang dưới đất để làm tổ. Khi trẩu con mới nở, không thể nào thấy được chim non vì nó nằm sâu trong tổ.

Người ta chỉ thấy chim bố mẹ bay đi bay về liên tục, phải đến vài chục lần một ngày để mang mồi nuôi con. Người mê chụp ảnh chỉ việc đứng xa xa, máy ảnh để cố định trên tripod rồi chờ thời, chờ chim bố mẹ mang mồi về cho con rồi chụp.

Chụp ảnh chim như thế bằng mười bẫy chim - Ảnh 3.

Chim trẩu con – Ảnh: HUY THỌ

Chụp ảnh chim như thế bằng mười bẫy chim - Ảnh 4.

Miệng hang ban đầu của chim trẩu – Ảnh: HUY THỌ

Chụp ảnh chim như thế bằng mười bẫy chim - Ảnh 5.

Trẩu bố mẹ liên tục đi bắt mồi nuôi con – Ảnh HUY THỌ

Sau khoảng một tuần, chim non đã khá lớn. Chúng lấp ló ngoài miệng hang khi bố mẹ mang mồi về.

Người chụp ảnh hoặc là chụp ảnh chim non khi nó lấp ló đợi bố mẹ, hoặc chụp cảnh bố mẹ bay về chứ không thể nào có được hình chim bố mẹ mớm mồi cho con, bởi khi chim bố mẹ đáp xuống miệng hang thì thân mình của chúng đã che khuất con.

Chụp ảnh chim như thế bằng mười bẫy chim - Ảnh 6.

Hang trẩu bị khoét lớn – Ảnh: HUY THỌ

Thế là một số người tham lam muốn có cảnh chim bố mẹ cho con ăn, nên đã khoét vùng đất quanh miệng hang thành một hố sâu và lớn đến tầm ba tấc!

Nhưng như thế vẫn chưa thỏa mãn. Bởi thấy được chim bố mẹ mớm mồi cho con, nhưng ảnh cũng khó đẹp vì ánh sáng ở vị trí chim con bị thiếu.

Một số người bất chấp đến đời sống của chim khi lôi ba chim non ra, cột dây vào chân chúng và đặt trên một cành cây nhỏ. Vì tình yêu thương con mãnh liệt, chim bố mẹ đành phải liều mạng về để cho con ăn trong cảnh set up ấy.

Chụp ảnh chim như thế bằng mười bẫy chim - Ảnh 7.

Ba chú trẩu con bị bắt khỏi tổ và cột dây cho đậu trên cành cây giữa trưa nắng – Ảnh: Hội bảo tồn chim hoang dã Việt Nam VBCS

Các tay máy thỏa mãn vì có những tấm ảnh mà họ cho là đẹp!

Nhưng họ không biết rằng, chim non chưa đủ ngày đủ tháng sẽ khó mà sống khi bị phơi giữa trưa nắng. Và cho dù chúng có sống được đi nữa thì nguyên tắc của người chơi ảnh thiên nhiên hoang dã là không được thò bàn tay mình vào can thiệp đến đời sống của chim muông.

Cách đây vài năm, làng nhiếp ảnh thiên nhiên đã có một trận can qua khi một số kẻ ‘tạo hiện trường’ chụp ảnh chim đến mức mang tổ chim đặt vào những vị trí đẹp, thậm chí có người còn dùng keo con voi để dán chân chim con, khiến chim bố mẹ phải bay đi bay về liên tục, giúp họ có được những tấm ảnh mà họ cho là đẹp.

Trước sự phản ứng dữ dội của những tay máy yêu thiên nhiên chân chính, nạn dàn dựng này đã giảm đi đáng kể. Nhưng gần đây thì nó có dấu hiệu quay lại, khi một số người vì muốn khoe ảnh đẹp trên face mà lại thiếu kiên nhẫn và có quan điểm lệch lạc về cái đẹp của thiên nhiên.

Được biết, trong số này có một số vị là hội viên hẳn hoi của Hội Nhiếp ảnh TP.HCM.

Ông Hoàng Thạch Vân – phó chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh TP.HCM – cho biết: “Rõ ràng việc làm này là vi phạm đến đạo đức nghề nghiệp. Tôi sẽ phản ảnh tình trạng này và có hình thức nhắc nhở với những hội viên có hành động sai trái”.

HUY THỌ-báo Tuổi Trẻ