Dính mắc thì bị trói buộc
Một người khi mới phát tâm tu thường nhủ lòng, thệ nguyện phải “xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo”. Cái sơ tâm đẹp đẽ và cao thượng lắm, nếu giữ được tấm lòng son ấy, chắc chắn con đường thành Phật, Bồ tát tuy không gần nhưng cũng chẳng xa.
Một thời, Thế Tôn trú tại Sàvatthi, dạy các Tỷ kheo:
Khổ lụy, này các Tỷ kheo, là lợi đắc, cung kính và danh vọng…
Này các Tỷ kheo, ví như có một con dê cái, lông dài, đi vào một khóm cây gai góc. Chỗ này, chỗ kia nó bị mắc dính vào; chỗ này, chỗ kia nó bị vướng mắc vào; chỗ này, chỗ kia nó bị trói buộc vào; chỗ này, chỗ kia nó bị rơi vào bất hạnh, tai họa.
Cũng như vậy, này các Tỷ kheo, ở đây có Tỷ kheo bị lợi đắc, cung kính, danh vọng chi phối, tâm vị ấy bị xâm chiếm, vào buổi sáng đắp y, mang bát đi vào làng khất thực. Chỗ này, chỗ kia vị ấy bị mắc dính vào; chỗ này, chỗ kia vị ấy bị vướng mắc vào; chỗ này, chỗ kia vị ấy bị trói buộc vào; chỗ này, chỗ kia vị ấy bị rơi vào bất hạnh, tai họa.
Như vậy, này các Tỷ kheo, dính mắc vào lợi đắc, cung kính và danh vọng là khổ lụy, các ông cần phải học tập.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ II, chương 6, phẩm 1, phần Lông dài, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.393)
Phật dạy: Rong chơi không phải lúc có đến sáu tai họa
Lời bàn:
Một người khi mới phát tâm tu thường nhủ lòng, thệ nguyện phải “xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo”. Cái sơ tâm đẹp đẽ và cao thượng lắm, nếu giữ được tấm lòng son ấy, chắc chắn con đường thành Phật, Bồ tát tuy không gần nhưng cũng chẳng xa.
Ấy thế mà một vài người trong chúng ta thì “nhất niên Phật hiện tiền” rồi “nhị niên Phật thăng thiên”. Tấc lòng son tuy lóe sáng nhưng không phải ai cũng vững vàng trước bão tố cám dỗ của cuộc đời. Có kẻ đèn lòng vụt tắt, có người sơ tâm leo lét chập chờn, vì vậy mà không đủ sáng suốt để soi đường cho cả chính mình (nói gì soi sáng cho người), đến nỗi phải vấp ngang té dọc, nếm đủ trần ai.
Như con dê lông dài chui vào bụi gai, càng vùng vẫy thì càng bị dính chặt, người tu chẳng may vướng vào danh lợi và cung kính lại càng khó thoát ra. Đành rằng, tu tập sẽ đem đến phước báo, tuy hướng về Không nhưng có vẫn đủ đầy. Song, ngũ dục có sức mê hoặc kỳ lạ, làm cho một vài người mụ mị bỏ Không để chạy theo, nắm giữ cái có để rồi hoàn không, mất trắng, rơi vào khổ lụy.
Hẳn nhiên, đi trong hồng trần làm sao không dính bụi trần, người tu sống trong cõi dục khi chưa thực sự vững chãi, giải thoát thì ít nhiều cũng bị dục nhiễm xâm chiếm. Vấn đề là phải thấy được sự nguy hiểm của nó. Con kiến chết trong chén mật là chết chìm, chết ngộp chứ không hề chết đói. Người tu mà không biết mình chỉ là “kẻ ăn xin” (khất sĩ), chạy theo hoặc tự mãn với danh lợi và cung kính thì chắc chắn không ngộp cũng chìm. Do vậy, cần phải thấy rõ ngũ dục là khổ lụy để sợ hãi, tránh xa, quyết không vướng mắc, mới mong thành tựu đạo nghiệp.
Quảng Tánh