Nhẫn nhục – đạo đức giúp con người vượt qua khó khăn nghịch cảnh trong cuộc sống

Người vượt lên tâm sân sẽ giữ được trầm tĩnh, không phản ứng nhưng thái độ trầm tĩnh ấy chưa hẳn là nhẫn nhục. Vì ẩn sau vẻ ngoài trầm tĩnh ấy thường có nhiều tâm trạng khác nhau.

 

Chúng ta cùng nhau phân biệt nhẫn nhục với những trạng thái tâm lý khác. Nếu bị người khác xúc phạm, chúng ta không giữ được bình tĩnh thì sẽ rơi vào tâm sân (nóng nảy). Nhẫn nhục không phải là phản nghĩa của nóng nảy. Nóng nảy là mất bình tĩnh, là đưa ra những phản ứng mạnh. Còn nhẫn nhục là chịu đựng sự xúc phạm mà không phản ứng. Người vượt lên tâm sân sẽ giữ được trầm tĩnh, không phản ứng nhưng thái độ trầm tĩnh ấy chưa hẳn là nhẫn nhục. Vì ẩn sau vẻ ngoài trầm tĩnh ấy thường có nhiều tâm trạng khác nhau.

Trước hết là sự thâm hiểm. Chúng ta biết rằng, người có lòng dạ thâm hiểm luôn tỏ ra bình tĩnh, không phản ứng trước sự xúc phạm của người khác. Nhưng họ nuôi trong lòng sự oán hận, nuôi ước muốn trả thù. Đây là trường hợp rất nguy hiểm.

Thực hành nhẫn nhục để nuôi dưỡng đức khiêm hạ, tâm từ bi

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Có trường hợp bị hiếp đáp, bị xúc phạm nhưng người ta không phản ứng. Mặc dù bên ngoài họ có vẻ như trầm tĩnh, nhưng thực chất bên trong họ mang tâm trạng sợ hãi. Đó không phải là nhẫn nhục mà là nhu nhược.

Nhẫn nhục khác với những tâm lý trên. Nhẫn nhục là chịu đựng mọi việc với tâm tha thứ, không nhu nhược cũng không nuôi sự giận ghét trong lòng. Vì vậy, khi gặp trường hợp bên ngoài trầm tĩnh chúng ta phải xét nội tâm bên trong để đánh giá. Cần phân biệt rõ giữa nhẫn nhục, thâm hiểm và nhu nhược, yếu đuối.

Người tu hành phải biết nhẫn nhục, chịu đựng. Trong Đại chúng đôi khi cũng xảy ra những va chạm nhỏ, mỗi người phải nhẫn nhục, không nuôi hờn giận trong lòng. Trong cuộc sống cũng vậy, không phải lúc nào bước ra làm Phật sự, chúng ta cũng gặp thuận lợi. Nhiều khi chúng ta phải đối mặt với những nghịch cảnh éo le. Có người do bất đồng quan điểm, tìm mọi cách công kích, chỉ trích, ngăn cản việc làm của mình. Thậm chí, có lúc chúng ta bị vu khống, bị người ta đặt điều nói xấu,… Nhưng dù bị oan, lúc đó chúng ta cũng phải chịu đựng. Làm được điều này không phải dễ.

Do đó, ngay từ bây giờ, mỗi người chúng ta phải tu tập, rèn luyện sức chịu đựng để đứng vững trước những khó khăn, những nghịch cảnh trong cuộc sống. Ví dụ như khi mình bị một huynh đệ nào nói nặng lời, chúng ta phải biết cảm ơn họ vì chính họ đã tạo những điều kiện tốt nhất để chúng ta tập hạnh nhẫn nhục.

TT. Thích Chân Quang