‘Bể trăng côi’: Đời diệt rồi sinh…

Từng gây bất ngờ với tiểu thuyết lịch sử Mộ phần tuổi trẻ, nhà văn Huỳnh Trọng Khang mới đây đã quay trở lại với Bể trăng côi, lấy bối cảnh đại dịch Covid-19.

Trong số những tác giả trẻ có tác phẩm ấn tượng, Huỳnh Trọng Khang vẫn luôn là một cái tên đặc biệt với các tác phẩm được đánh giá cao, như Những vọng âm nằm ngủ, Phật trong hẻm nhỏ... Gần đây anh cũng thử sức ở thể loại thiếu nhi với Bơ không phải để ăn, cho thấy một sự chuyển mình trong địa hạt văn chương.

'Bể trăng côi': Đời diệt rồi sinh… - Ảnh 1.

Đặt tựa tác phẩm là Bể trăng côi, Huỳnh Trọng Khang cũng đang cho thấy một sự vận động thuận theo tự nhiên của vũ trụ này…NXB Trẻ

Phong cách ấn tượng

Nối tiếp Phật trong hẻm nhỏ, Bể trăng côi ra đời vẫn mang đậm nét tinh thần Phật giáo. Như tác giả chia sẻ, cuốn sách đã được anh viết trong kỳ đại dịch, khi bị “giam lỏng” giữa bốn bức tường, mà nếu không như thế thì chắc tác phẩm sẽ không ra đời.

Bể trăng côi gồm 2 mạch truyện được kể song song, giữa một nhà sư rời khỏi thảo am để tìm đến núi Sa Môn và chuyến hành trình của thầy Huyền Trang đến với Tây Trúc tìm kinh thư, Bể trăng côi có sự tương quan, ánh xạ… giữa hai mạch truyện, từ đó cho thấy bi kịch thời nào cũng sẽ xảy ra, nhưng điều quan trọng là ta có biết đối mặt và giữ niềm tin.

Viết một tiểu thuyết nặng tính hiện thực là thách thức lớn cho các nhà văn. Nếu những sự việc trong kỳ đại dịch đã được thuật lại qua các bảng tin, báo chí, xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội hay các cuốn sách ghi chép, tản văn… thì khi “tiểu thuyết hóa” nó, đòi hỏi người viết phải tìm một cách viết mới trong việc truyền tải.

Trong Bể trăng côi, Huỳnh Trọng Khang đã “che đậy” được những ngầm ý này, bằng cách thu gọn, co giãn thời gian. Anh tưởng tượng đến một hệ thống gian hàng bằng dây ở thì vị lai để tượng trưng cho giao hàng không tiếp xúc. Anh biến giấy tờ thông chốt thành cuốn “hộ chiếu” mà thầy Huyền Trang sẽ phải “trình” ra khi rời khỏi nước Đại Đường… Những huyễn tưởng này được đặt ngấm ngầm nhưng dễ nhận ra, khiến cho tiểu thuyết không quá bộc trực mà vẫn giữ được tính chất hư cấu của nó.

Hai mạch song song cũng được tạo ra với nhiều hàm ý. Như chính nhà văn chia sẻ, nhân vật Huyền Trang ban đầu không hề xuất hiện khi anh bắt đầu viết. Ý tưởng đó đến dần dần và rồi trở nên quan trọng như đã có sẵn từ trước. Và cũng có lẽ vì thế mà sự tương quan ở hai thời kỳ cách nhau cả mấy nghìn năm cũng được tạo dựng tự nhiên mà không gồng ép.

Hành trình của các thầy trò Huyền Trang được kể lại có phần mới lạ hơn. Không còn là Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, khỉ, heo kiên nhẫn và thủy thần Kadu trong tác phẩm này đều có nhận thức và vai trò riêng. Mới mẻ và cũng độc đáo, mạch truyện thứ 2 này tương tự những gì mà Madeline Miller hay Angela Carter đã làm được khi sử dụng những chuyện cổ tích, những tích thần thoại… để tạo ra góc nhìn mới và câu chuyện mới.

'Bể trăng côi': Đời diệt rồi sinh… - Ảnh 2.

Huỳnh Trọng Khang, tác giả của Những vọng âm nằm ngủ, Phật trong hẻm nhỏ...

NVCC

Ý nghĩa chữa lành

Nói về đề tài, Bể trăng côi mang chủ đề có phần quen thuộc là chữa lành, tìm thấy hy vọng. Tuy thế thông qua một nghệ thuật viết ấn tượng, những nội dung này đã được kể lại khúc chiết, rành mạch và mới mẻ.

Đậm đặc triết lý phương Đông, Huỳnh Trọng Khang cho các nhân vật của mình thực hiện những chuyến “hành hương” sâu vào bản thể, từ đó họ tìm ra con người thật của mình. Đó là sư trẻ tìm đến núi Đội, là thầy Huyền Trang đi suốt mười ngàn tám vạn dặm để tìm đáp án cho cả nhân loại, là thơ haiku của riêng Basho – người cũng từ giã phiên trấn để tìm cho mình lối sống an nhiên giữa đời ô trọc.

Bởi nhẽ “cuộc sống là một sự vượt qua, một sự vượt qua đầy đau đớn”, nên phải trải qua ta mới quý trọng. Bởi lẽ con người chỉ là hạt bụi giữa cõi nhân sinh, do đó hết hủy lại sinh, trăng khuyết rồi tròn, qua giông bão sẽ đến một ngày tươi đẹp, nên cuộc đời này là “vòng tròn lớn, mà tâm của nó còn tỏa ra những vòng tròn nhỏ khác”.

Đặt tựa tác phẩm là Bể trăng côi, Huỳnh Trọng Khang cũng đang cho thấy một sự vận động thuận theo tự nhiên của vũ trụ này. Tuy thế để hiểu điều đó, thì chính con người sẽ phải trải qua những “bể khổ”, “bể lầm”, “bể lạc”… từ đó để hiểu rằng ta luôn côi cút trong cõi đời này, nhưng rồi sẽ lại tái sinh trong ngày tươi đẹp của từng sát na.

Với Bể trăng côi, Huỳnh Trọng Khang không chỉ cho thấy những dấu ấn mới trong văn nghiệp của mình, mà còn viết lên những lời thức tỉnh, những sự chữa lành… cho những cá thể đã quá mệt mỏi. Một tác phẩm ấn tượng và cũng nhẹ nhàng, mang đến sự thanh thản dù chỉ thoáng qua nhưng có tác động lâu dài về sau.

Minh Anh