Khởi công xây tượng Quán Thế Âm Bồ Tát cao 33 m và 33 ứng hóa thân

Đúng ngày vía Quán Thế Âm Bồ Tát đản sanh, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự GHPGVN đã tham dự lễ động thổ khởi công xây tượng Bồ Tát Quán Thế Âm cao 33 m và 33 ứng hóa thân tại Kiên Giang.

Công trình nằm trong khuôn viên chùa Hải Sơn (chùa Hang), thuộc cụm di tích thắng cảnh Hòn Chông (gồm Hòn Phụ Tử – Chùa Hang – Bãi Dương), H.Kiên Lương, Kiên Giang với diện tích dự kiến là 1.500 m2.

Theo đó, tượng Quán Thế Âm Bồ Tát cao 33 m được xây dựng bằng chất liệu xi măng cốt thép, 33 tượng ứng hóa thân phối trí xung quanh theo vách núi, mỗi tượng cao 3 m, tạc từ đá xanh nguyên khối.

Khởi công xây tượng Quán Thế Âm Bồ Tátcao 33 m và 33 ứng hóa thân - Ảnh 1.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn (thứ hai từ phải sang) cho biết, công trình vườn tôn tượng Quán Thế Âm Bồ Tát sẽ là điểm nhấn về du lịch tâm linh- H.N

Phía dưới và trong lòng tượng Quán Thế Âm Bồ Tát có không gian triển lãm tranh vẽ về lịch sử Đức Phật Thích Ca, ý nghĩa các tôn tượng ứng hóa thân Bồ Yát, lịch sử Phật giáo Việt Nam “Hộ quốc an dân”, Phật giáo Kiên Giang “Đồng hành cùng dân tộc”. Thời gian dự kiến hoàn thành trong 3 năm với tổng kinh phí dự kiến trên 90 tỉ đồng.

Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn nhắc lại hạnh nguyện từ bi, ban vui và cứu khổ không mệt mỏi, không giới hạn của Đức Quán Thế Âm, là vị Bồ Tát quan sát chúng sinh khổ đau trong thế gian mà khởi lòng đại bi, đoạn trừ phiền não, làm cho chúng sinh được an lạc.

Công trình vườn tôn tượng Quán Thế Âm Bồ Tát sẽ là điểm nhấn về du lịch tâm linh và thông qua đó mỗi người đều học theo hạnh nguyện từ bi của Ngài để sống cuộc đời đạo đức, biết sẻ chia và yêu thương.


Trước đó, chiều 9.3, tại chùa Long Phước (Bạc Liêu) đã diễn ra buổi lễ ký kết hợp tác lan tỏa 4 đề án: Pháp phục – Ngôn ngữ – Nghệ thuật và biểu tượng văn hóa Phật giáo Việt Nam của Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN cùng với Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bạc Liêu.

Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN cho biết, mục tiêu của lễ ký kết là để thống nhất về mặt chủ trương, phương pháp, từ đó lan tỏa sâu rộng, kêu gọi thực hiện vào thực tiễn để xây dựng hệ Văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Vũ Phượng– báo tThanh Niên