Khách Tây mê đồ chay Việt
Ngoài phở hay bánh mì, ẩm thực Việt Nam còn thu hút du khách nước ngoài bởi sự đa dạng của món ăn chay.
Dạo một vòng trung tâm TP.HCM có thể bắt gặp nhiều quán ăn, nhà hàng chay từ bình dân đến cao cấp. Trong những quán chay đó, thực khách không chỉ có người địa phương mà còn có cả du khách Tây ghé tới.
CHI PHÍ HỢP LÝ
Sau khi đọc đánh giá trên mạng, gia đình ông Jurgen Lomia đến từ Đức đã ghé một nhà hàng chay nằm ngay trung tâm quận 1. Dù không phải là những người ăn chay trường, gia đình này rất thích đồ chay tại Việt Nam.
“Đồ ăn chay ở đây rất tuyệt vời và đa dạng, chúng tôi đã tận hưởng trọn vẹn các món bún và bánh mì”, bà Christine, vợ ông Jurgen, nói.
Các món chay ở Đức khá đắt đỏ và không được phong phú nên gia đình ông Jurgen ít khi thưởng thức. Nhưng ở Việt Nam, dù đã gọi khá nhiều phần ăn, chi phí cho bữa ăn của gia đình này chỉ chưa bằng 1/3 tại Đức.
Một món chay tại Berlin có giá khoảng 12 euro (tương đương 302.000 đồng). Trong khi đó, những món chay tại các quán ăn bình dân Việt Nam chỉ có giá khoảng 20.000-30.000 đồng, ở các nhà hàng sẽ có giá nhỉnh hơn, khoảng 50.000-100.000 đồng một món.
ĐA DẠNG CÁCH CHẾ BIẾN
Ở Đức, các quán chay thường dành cho số đông người ăn thuần chay, loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm từ trứng, sữa, mật ong. Họ thường thay thế chúng bằng các loại đậu gà và sữa hạt.
Còn tại Việt Nam, các quán chay thường dùng sữa đậu nành, đậu hũ, tàu hũ ki để món ăn dễ thưởng thức hơn.
Bên cạnh đó, nhiều du khách nước ngoài nói rằng Việt Nam như thiên đường của ẩm thực chay bởi sự đa dạng, phong phú trong cách chế biến món chay của người Việt.
Trong khi đó, cặp đôi Arijana và Matt, đồng sở hữu website về du lịch và ẩm thực Shipped Away, cũng chia sẻ với Zing: “Chúng tôi yêu thích các món ăn ở Việt Nam. Mặc dù chúng tôi chưa đến thăm tất cả các quốc gia trên thế giới, chúng tôi có thể tự tin nói rằng Việt Nam là nơi có nền ẩm thực tốt nhất trên thế giới.”
Trò chuyện cùng Arijana, cô và bạn trai đã rất ngạc nhiên về số lượng lớn các món chay tại Việt Nam. Các món ăn được chế biến theo kiểu chay từ bánh mì, mì quảng, bún bò Huế cho đến những món ăn quen thuộc, cổ điển như đậu hũ sốt cà, rau muống xào.
Họ từng tới Việt Nam đầu năm 2020. Do dịch bệnh, cả hai đã ở lại đây hơn một năm rưỡi cho đến tháng 7/2021. Từ đó, họ liên tục quay lại Việt Nam và cảm thấy ở đây như quê hương thứ hai của mình.
ĐIỂM ĐẾN THÂN THIỆN VỚI NGƯỜI ĂN CHAYShu Lê, chủ nhà hàng chay Kiez Vegan Bistro tại Thảo Điền (TP Thủ Đức), nhận xét: “Khách Tây rất thích ăn đồ chay của Việt Nam, kể cả những người không ăn chay cũng thích đến quán chay”.
Theo kinh nghiệm của chủ nhà hàng này, số đông người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam tìm đến những quán buffet chay với giá rẻ hơn, ít người lui tới. Những du khách Tây sẽ tìm kiếm những quán được đề xuất và đánh giá tốt trên mạng.
Chantal Terblanche (quốc tịch Nam Phi) cho biết: “Tôi là người ăn thuần chay nên đã thử các món chay của Việt Nam. Tôi nghĩ Việt Nam cực kỳ thân thiện với người ăn chay. Tôi đã không gặp nhiều vấn đề khi tìm kiếm thức ăn”.
Người phụ nữ này đã tham gia các khóa học nấu ăn và làm được 10 món chay khác nhau trong suốt 7 ngày đi du lịch tại TP.HCM. Nhờ vào những buổi hướng dẫn này, Chantal biết cách chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Việt Nam có thể xem là một quốc gia thân thiện với người ăn chay nhờ ảnh hưởng của Phật giáo. Không khó để tìm thấy các quán ăn, quầy hàng hoặc nhà hàng với nhiều món chay và thuần chay ở các khu vực phát triển.
Năm 2018, trang WGSN, cổng thông tin chuyên dự đoán các xu hướng trên thế giới, đã dự đoán rằng kể từ năm 2019 trở đi, những món chay sẽ lên ngôi. Người dân toàn thế giới đang ngày càng hướng đến lối ăn uống lành mạnh, thanh mát, giàu dưỡng chất và tốt cho sức khỏe.
Theo Zing