Chung tay ngăn chặn nạn tận diệt chim trời, cá nước
Trước tình trạng săn bắt, tận diệt chim, cò, trong đó có một số loài quý hiếm đã và đang diễn ra tại một số địa phương, nhiều bạn đọc kêu gọi các cơ quan chức năng sớm có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng trên.
Thanh Niên ngày 8.2 có đăng bài Nạn tận diệt chim, cò của tác giả Nguyễn Đước. Tác giả viết: Mới đây tôi có chuyến đi ra một số tỉnh miền Trung, nhân tiện ghé thăm một người bạn ở tỉnh Hà Tĩnh. Gặp nhau, sau lúc hàn huyên, anh nói sẽ đãi chúng tôi một món đặc sản của quê anh trong bữa cơm chiều cùng với gia đình. Món đó chính là chim cu và chim cói rô ti, kho sả ớt mà anh đã đặt mua từ trước. Anh bạn bảo giờ không phải là mùa săn bắt chim, cò nên hàng cũng hiếm, chứ vào tầm tháng 8 âm lịch thì muốn ăn bao nhiêu cũng có, giá cũng rất rẻ. Nhiều nhất là cò đen, chim cu, chim chèo bẻo, chim cắt cơm, chim cói, chim vạc, cò hiếu, chim cuốc và một số loài chim nhỏ khác.
Được anh đưa đi dạo một vòng qua những cánh đồng, tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy nhiều bẫy chim, cò được đặt dày đặc. Anh bạn cho biết một vài năm gần đây chim, cò bị đặt bẫy, bị bắt nhiều quá nên không còn nhiều như trước. Chính quyền địa phương cũng đã có lệnh cấm săn bắt chim, cò nên cũng đã đỡ được phần nào…
Thiết nghĩ đã đến lúc phải có những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ các loài chim, cò quý hiếm. Cần phát động và có những đợt tuyên truyền cho người dân biết hành vi này là hủy hoại môi trường, cần phải bị lên án. Ngoài ra, cần kêu gọi, vận động mọi người không tiêu thụ, không mua bán, không ăn các loại chim, cò quý hiếm; xử lý nghiêm các hành vi săn bắt, giết hại và mua bán trái phép các loài chim, cò…
Có người xách súng hơi nghênh ngang đi săn chim
Bức xúc trước tình trạng sử dụng súng hơi để bắn chim, cò, bạn đọc (BĐ) luongvanthuy398 kể: “Nơi tôi đang sống cũng có một số người sử dụng súng hơi đi săn bắn chim. Ngoài bắn chim ra, khẩu súng hơi cũng rất nguy hiểm đối với mọi người. Nếu chẳng may viên đạn bị lạc trúng vào người thì không biết chuyện gì xảy ra. Mong các cơ quan chức năng hãy truy lùng các chợ đen để thu hồi các loại vũ khí này”.
Phạt thật nặng những nhà hàng có món chim rừng (loại cấm đánh bắt) là sẽ hết người đi săn bắt chim ngay.
Hung Nguyen
Vấn nạn tận diệt cá xảy ra ở nhiều nơi, gần như cứ nơi nào có sông hồ, khe suối đều có người làm việc này. Đề nghị các cơ quan chức năng, các cấp, các ngành nên có biện pháp tuyên truyền, giáo dục; nếu cố tình thì phải xử lý nghiêm minh theo luật pháp.
Hà Văn Thịnh
Đồng ý kiến, BĐ Tien Long cho biết: “Có những người có sở thích săn bắt chim. Họ xách súng hơi đi nghênh ngang săn lùng chim, thật không hiểu nổi. Chỉ là sở thích mà thấy nguy hiểm quá, nhất là nếu xảy ra lạc đạn. Hơn nữa săn bắn vậy rồi chim, cò có còn không? Tôi không rõ người dân có được phép sử dụng súng hơi không, việc mua bán súng hơi, súng săn được quản lý như thế nào… Có ai giải thích cho rõ không?”.
Đáp lại, BĐ Hùng H. cho biết: “Súng hơi cũng được coi là một loại vũ khí. Sử dụng súng hơi là vi phạm pháp luật rồi. Người có hành vi sử dụng súng hơi tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong đó, về xử lý hành chính, mức phạt tiền đối với hành vi này là từ 5 – 10 triệu đồng, đồng thời sẽ bị tịch thu súng hơi…”.
Cơ quan chức năng phải vào cuộc mạnh mẽ và thường xuyên
Không chỉ là chim trời, cò bay, nhiều BĐ còn phản ánh tình trạng “đánh cá bằng điện”. BĐ Hoàng lo lắng bày tỏ: “Còn nạn đánh cá bằng điện nữa kìa, cái này cũng quá nguy hiểm. Đã có nhiều vụ gây chết người, cả người đi đánh cá bằng điện cũng có người tử vong. Nghĩ gì mà tận diệt hết như vậy? Chim trời, cá nước mà không biết bảo vệ, giữ gìn thì sẽ có ngày chúng biến mất, lúc đó sẽ là thảm họa…”. BĐ Đỗ Cường cho biết: “Chích điện là hành vi hủy hoại môi trường, làm ảnh hưởng rất lớn tới hệ sinh thái dưới nước, cần phải xử phạt thật nặng mới được”.
“Để ngăn chặn nạn tận diệt chim trời, cá nước như vậy, theo tôi, quan trọng nhất là cơ quan chức năng phải vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt. Đối với những kẻ cầm súng hơi hoặc cầm chích điện để chích cá chẳng hạn, thì phải có cơ quan chức năng ngăn chặn và xử phạt, chứ người dân tay không tấc sắt, họ không sợ đâu! Cũng cần phải làm thường xuyên thì mới hiệu quả. Chứ ra quân rầm rộ thì được ít bữa, sau đó lại tình trạng cũ lại tái diễn mà thôi”, BĐ Bình Minh nêu ý kiến.
Báo Thanh Niên