Góp nhặt phúc đức và ươm mầm yêu thương
Cuộc đời là một chuỗi hành trình liên tiếp được xâu từ những điều bất như ý. Ngày nào chúng ta còn tồn tại trên cõi đời, thì bao mối bận tâm và lắm ưu phiền sẽ luôn góp một phần quan trọng trong đời sống của chính chúng ta.
Khi bị làm phiền bởi những người chưa đủ thấu hiểu về mình, tâm trí chúng ta sẽ trở nên vô cùng khó chịu và bực bội, cảm giác như mình bị đối xử một cách tồi tệ. Cứ thế, chất chứa sự tổn thương trong lòng, ôm vào mình những nỗi khổ niềm đau không đáng có, rồi chịu đựng sự giày vò từ những luồng suy nghĩ tiêu cực đó ngày này sang ngày khác. Chi bằng chúng ta buông bỏ hết những ý niệm bất an, nhận thức được rằng muôn sự vạn vật đều có điểm kết thúc, và những vết thương lòng hay nỗi khổ tâm đó rồi một ngày nào đó cũng sẽ bị cuốn trôi và xua tan đi hết, như vậy chẳng phải sẽ tốt hơn sao?
Hãy cố gắng thận trọng tiếp nhận điều bất như ý xảy ra và bình tâm giải quyết vấn đề. Luôn nhớ rằng, dù có ai đó chế tác ra những phiền phức để quấy rối chúng ta, nhưng chỉ cần chúng ta biết cách phòng hộ tâm trí mình, thì sẽ chẳng ai có khả năng và tư cách làm tổn thương và xâm phạm đến sự bình an trong tâm hồn mình. Trong Kinh Pháp Cú, Đức Thế Tôn đã dạy: “Dù cho kẻ địch nguy hiểm nhất cũng không thể làm tổn thương đến chúng ta bằng việc nội tâm chúng ta không có chút phòng ngự và điều phục nào. Chỉ khi tự mình làm chủ và kiểm soát tâm thức, ngoài ra dù là cha mẹ hay bất kỳ người thân thích nào cũng không thể giúp đỡ được mình”.
Bên cạnh đó, cần phải tích phúc, chớ nên việc gì cũng oán trời trách người. Hãy luôn khắc ghi câu nói này: “Tôi vẫn luôn oán trách rằng mình không có giày để mang, mãi cho đến một ngày tôi gặp người đến chân cũng không có mà đi”. Khi nghĩ được như thế, chúng ta sẽ nhận chân được trên đời này còn có biết bao người bất hạnh và bi thương hơn mình gấp nhiều lần. Vấn đề mà mình đang gặp phải thật ra chẳng phải là điều gì to tát. Nghĩ cho người khác nhiều hơn cũng là một cách gieo trồng hạt giống an lạc, thay vì suốt ngày chỉ biết nghĩ về những ưu phiền của bản thân. Người bận rộn mang niềm vui đến cho người khác, căn bản chẳng còn thời gian và tâm tư để lo về nhu cầu ích kỉ của cá nhân nữa.
Một sinh viên đã từng hỏi với một nhà Giải phẫu học nổi danh người Anh rằng: “Cách hữu hiệu nhất để trị liệu căn bệnh sợ hãi là gì?”. Ông đáp lời: “Hãy thử làm chút gì hữu ích cho người khác đi!”. Người sinh viên đã vô cùng ngạc nhiên mà mong muốn một đáp án rõ ràng hơn. Ông đã giải đáp thắc mắc rằng: “Không thể có cùng lúc hai tư tưởng đối lập nhau trong một tâm thức. Nếu không, sẽ sinh ra hiện tượng bài trừ lẫn nhau. Chẳng hạn, tâm thức một người nào đó được lắp đầy bởi những ý niệm mang đến lợi lạc cho tha nhân mà không xen tạp một chút tư tưởng tự tư tự lợi nào, cùng lúc đó sẽ không còn không gian trống để dung chứa nỗi sợ nữa”. Hoàn toàn tương đồng với lời dạy của Đức Thế Tôn. Do đó, khi gieo hạt và vun vén một tâm thức thanh tịnh thiện lành, chẳng có cơ hội nào cho hạt giống bất thiện hay tiêu cực nảy mầm và bén rễ nữa. Đồng thời, khi giúp đỡ hoặc mang đến lợi lạc cho người khác hãy luôn xuất phát và duy trì trạng thái tâm hoan hỉ và ấm áp nhất.
Việc tịnh hóa tâm thức và tôi luyện lời nói hành động có công năng mang đến cho chúng ta đời sống an lạc và tự tại. Mỗi chúng ta đều muốn được sống bình an và hạnh phúc, đó vốn là quyền lợi duy nhất mà tất cả mọi người đều xứng đáng được hưởng. Để lấy lại đời sống hạnh phúc vốn dĩ thuộc về chúng ta, hãy dốc sức thực hành quá trình tịnh hóa tâm hồn theo lời giáo huấn của Đức Thế Tôn:
1. Đoạn trừ vĩnh viễn những điều ác đã sinh: buông bỏ những ý niệm bất thiện và ô uế.
2. Ngăn chặn những điều ác chưa sinh: gạt hết những suy nghĩ có hại ra ngoài tâm thức.
3. Làm cho tăng trưởng điều thiện đã sinh: vun đắp và bồi dưỡng những tư tưởng tốt đẹp, phải kiên trì thực hiện đều đặn mỗi ngày.
4. Sinh khởi những điều thiện chưa sinh: ấp ủ những hạt giống hướng thiện và tích cực chưa được nẩy mầm trong tâm.
Bốn nguyên tắc đơn giản này được tuệ giác Phật giáo gọi là tứ chính cần – bốn điều chân chính cần phải siêng năng thực hành. Đó cũng là một cách hay để chúng ta thanh lọc và giữ gìn một tâm thức lành mạnh và sáng suốt. Dù là người ở tầng lớp nào hay lứa tuổi nào trong xã hội cũng đều có thể áp dụng và thực hành. Dẫu thế nhưng vẫn rất nhiều người lựa chọn làm kẻ nô lệ cho những cảm xúc ham muốn, khao khát hoặc ganh ghét. Đừng cho phép chúng có cơ hội phát sinh nếu như chúng ta thật lòng mong muốn có được hạnh phúc và an lạc. Bắt đầu từ bây giờ, lập tức nhắc nhở bản thân hãy vun bồi và tu dưỡng những tâm tư thiện lành, tích cực và đúng đắn. Không bao giờ là quá muộn nếu như có bắt đầu, nhưng tốt hơn hết hãy hạ thủ công phu ngay đây và bây giờ.
Để thỏa mãn lòng ham muốn và sân hận, chúng ta luôn chế tác phiền phức cho chính mình và người khác. Phát động chiến tranh giữa các quốc gia, mong lật đổ đối phương để chiếm đóng lãnh thổ. Tai ương và tranh chiến dẫn đến những trang sử bi ai đã được ghi chép đầy khắp các tư liệu trên toàn thế giới. Thế mà, con người còn tồn tại trên cõi đời được mấy ai nhận thức rõ những điều đó, mấy ai chịu đối mặt với hiện thực tàn khốc này. Ngay cả khi đã tự thân trải nghiệm vô vàn những hiểm nguy, nếm trải nỗi đau thương đến cùng cực nhưng vẫn không thể làm thức tỉnh được những tâm hồn mê muội. Lạc thú ở đời cũng tương tự như thế, nhìn thì có vẻ như chúng ta đang hưởng thụ nhưng thật ra chúng như những củ khoai tây nóng hổi, ngấu nghiến thì miệng lưỡi tổn thương, có cầm tay phải hay đổi sang tay trái thì cũng bỏng rát. Chỉ có buông xuống, chúng ta mới vẹn toàn chẳng chút thương tổn nào. Đức Phật dạy rằng, khổ đau đến từ những ham muốn bất thiện. Cần nhiều tiền tài để có thể sống buông thả một phen, cần có quyền thế để vượt trội hơn người, cần được sống lâu không già không chết để có thể thụ hưởng được nhiều hơn, v.v. Những mong muốn ấy càng mãnh liệt sẽ càng làm cho chúng ta bất mãn với cuộc sống hiện tại. Ngày qua ngày càng trở nên ích kỉ và tự lợi cho cá nhân, không còn tâm trí gì đến lợi ích của tha nhân nữa. Từ đó, họ sống trong bất an, lo lắng và tràn ngập nỗi sợ. Bởi vì khi không thỏa mãn được những nhu cầu mà họ cần, họ càng thêm than van oán trách. Nhưng cho dù đạt được như ý muốn rồi, lòng cũng không an vì sợ hãi sẽ mất đi những gì mình đang có.
Vậy nên, tất cả những nỗi khổ niềm đau trong tâm thức đều đến từ niềm vui thích khi khát vọng về vật chất. Khát vọng muốn có những gì mình đang thiếu sót, rồi vứt bỏ không thương tiếc khi chúng ta không còn cần. Không có gì để nghi ngờ và đáng để phủ nhận, tên cầm đầu khiến chúng ta không thể nào tận hưởng được niềm vui chân chính không ai khác chính là dục vọng. Đức Thế Tôn từng nói: “Không có niềm vui nào trên thế gian tuyệt vời và giá trị hơn niềm vui khi lòng tham ái được diệt trừ”.
“Không thể có cùng lúc hai tư tưởng đối lập nhau trong một tâm thức. Nếu không, sẽ sinh ra hiện tượng bài trừ lẫn nhau. Chẳng hạn, tâm thức một người nào đó được lắp đầy bởi những ý niệm mang đến lợi lạc cho tha nhân mà không xen tạp một chút tư tưởng tự tư tự lợi nào, cùng lúc đó sẽ không còn không gian trống để dung chứa nỗi sợ nữa”.Thân xác phàm của chúng ta nhiều lắm cũng chẳng sống hơn trăm năm, liên tiếp trải qua những thăng trầm biến đổi nhanh chóng như chớp mắt. Tình cảm của con người được gom góp từ cảm xúc và sắc tướng. Tâm thức con người không gì hơn là một dòng tư tưởng. Tính cách của chúng ta cũng biến đổi theo thời gian năm tháng. Giữa sự giao thoa của thể xác và tâm hồn, không một thực thể vĩnh viễn nào được xem là thường hằng bất biến. Con người sinh ra trên cõi đời này là để làm việc thiện, việc ích và việc có ý nghĩa. Chứ không phải để sống những tháng ngày vô ích, vô công rỗi nghề, trở thành gánh nặng cho xã hội. Phải không ngừng học hỏi, cải thiện và thăng tiến bản thân tăng trưởng trí tuệ và từ bi. Nếu không được như vậy, sẽ cô phụ đặc ân và sứ mệnh trời đã phú cho chúng ta.
Chúng ta phải thường kiểm soát và theo dõi những cảm xúc và năng lượng tiêu cực mang tính hủy hoại, đồng thời hạ thấp chúng đến mức tối thiểu nằm trong tầm xử lý. Trong đó, lối sống tối giản chính là một lợi thế, chứ không phải là hưởng thụ xa xỉ. Chúng ta cần từ chối và lược bớt những hoạt động không cần thiết. Ngủ sớm và thức dậy sớm hơn, để có thêm thời gian cho việc chăm sóc bản thân và trò chuyện với gia đình. Chịu khó huân tập và hun đúc thành thói quen như tham gia vào các hoạt động tình nguyện, từ thiện; hoặc đọc sách, thực tập thiền, ngồi tĩnh lặng chỉ để hít thở và thả lỏng toàn thân,…
Những suy nghĩ tiêu cực và bất thiện chỉ được tiêu trừ tận gốc khi chúng ta thực hành phương pháp tĩnh tọa đúng cách và ứng dụng giáo lý mà Đức Phật đã dạy vào đời sống thực tế. Bởi vì một tâm thức chưa trải qua rèn luyện và điều phục chính là căn nguyên để khơi dậy mọi vấn đề rắc rối. Như Lai đã giảng dạy: “Tâm thức là thứ rất khó để thấu hiểu ngọn nguồn, bởi vì nó cực kỳ vi tế và liên tục rong ruổi khắp nơi một cách tự do. Người sáng suốt là người biết cách phòng hộ và quán sát tâm, khéo léo điều phục tâm, tâm tỉnh thức sẽ mang đến đời sống bình an và tự tại”. Hãy thuần phục tâm tính bằng cách tu dưỡng tâm và thực hành thiền định. Tu dưỡng tâm thức có thể vun bồi một đời sống tuệ giác – tỉnh thức. Như ngọn đuốc rực sáng có thể soi tỏ con đường tối om trong ngõ hẻm. Giúp chúng ta tìm ra những điều chí thiện từ cái xấu ác, vạch ra lối đi đúng đắn trong sự sai lầm. Khi tâm trí chúng ta được soi sáng bằng tuệ giác, hướng dẫn đúng đắn cho lối tư duy và những hành động cử chỉ của mình. Và thiền định có công năng thanh lọc tâm hồn bụi bẩn và vẩn đục của chúng ta trở nên lắng trong và thanh khiết.
Tuân theo quy luật tự nhiên bất biến của vũ trụ, cũng chính là “Dharma” – pháp của Đức Thế Tôn. Khi thuận theo những quy tắc và chân lý của cuộc đời, chúng ta mới có thể sống bình an và tự tại cả đời này và đời sau. Vận dụng trí tuệ sáng suốt của mình để làm chủ cuộc đời luôn đi đúng hướng và đường lối của chính đạo là sứ mệnh của tất cả chúng ta. Vì hầu hết sự có mặt của những nỗi khổ đau trên cuộc đời đều bắt nguồn từ trạng thái tâm không được kiểm soát, tà kiến và lệch lạc. Và chúng ta sẽ không được sống cuộc đời hạnh phúc và an lạc nếu tâm hồn mình không được lắng yên và bình thản.
Ngoài ra, thù hận là một trạng thái tâm không lành mạnh, nó chỉ nuôi lớn sự vô minh và ngăn cản tư duy chân chính. Nếu lũ giặc hận thù được dẹp yên, thì lòng yêu thương sẽ được giải phóng. Chỉ khi hận thù được triệt tiêu, tình yêu sẽ hoàn toàn tự do để phát triển và lớn mạnh. Hận thù chỉ mang lại cho chúng ta niềm ân hận, nhưng tình yêu luôn mang đến cho ta cảm giác an toàn và bình yên. Hận sẽ khiến chúng ta dần trở nên máu lạnh và vô tình, nhưng yêu lại có năng lực làm tan chảy trái tim sắt đá của người khác. Hận cản trở chúng ta làm điều đúng đắn, yêu lại góp sức và giúp đỡ cho những điều tốt đẹp và thiện lành. Chỉ khi nhận chân ra giá trị của tình yêu, chúng ta mới có thể nhổ trừ tận gốc rễ của tâm thái sân hận trong lòng mình. Bóng tối không thể xua tan bóng tối, chỉ có ánh sáng mới có thể xua tan bóng tối. Cũng vậy:
“Hận thù diệt hận thù
Đời này không có được
Từ bi diệt hận thù
Là định luật ngàn thu”.
Có một số người không khác gì dòng chữ khắc sâu trên bia đá, họ dễ dàng nổi giận và cơn giận đó bám theo họ trong suốt thời gian dai dẳng như cả thế kỉ. Nhưng cũng có một số người như dòng chữ được viết bừa trên bãi cát, tuy cũng có nổi giận nhưng rồi sẽ rất nhanh để chúng tan đi không còn chút dấu vết. Hoặc cũng có một số người như con chữ được viết trong dòng nước, không bao giờ lưu giữ lại bất kì một điều gì đã trôi qua trong quá khứ. Và đâu đó, cũng có một số ít người có lẽ là hoàn mỹ hơn, họ như con chữ được viết trong làn gió, để cho tất cả những điều bất thiện lập tức bay đi không sót lại ngay cả một hạt bụi. Tâm họ tựa như mặt kính không chút bụi trần, có thể soi thấu bất cứ vật gì, vĩnh viễn trong trạng thái thanh khiết và trong trẻo, cũng vậy, trong họ không có mựt những muộn phiền.
Sống trong cuộc đời đầy những biến động và bất an, thật ra mỗi chúng ta đều có một mặt xấu xí trong lòng mình. Nhưng điều may mắn hơn là mỗi cá nhân đều có những phẩm đức tốt đẹp và lương thiện đang đợi mình khai quật. Còn việc lựa chọn đồng hành với những phẩm đức chân thiện mỹ hay là bất thiện xấu ác thì tùy thuộc vào chúng ta rồi. Một trái tim đong đầy lòng trắc ẩn biết cảm thông trước những nỗi khổ niềm đau của tha nhân rất cần thiết được nuôi dưỡng và vun đắp. Cuộc sống của chúng ta chỉ trở nên hạnh phúc mỹ mãn khi dẹp bỏ tâm ích kỉ, tu dưỡng và trau dồi những phẩm đức tốt đẹp, biết lắng nghe và thấu hiểu và giàu lòng yêu thương. Vì thật ra ai cũng có mặt tốt của họ và dù là ai cũng xứng đáng được thấu hiểu và yêu thương. Đức Thế Tôn dạy: “Dù có chiến thắng hàng nghìn quân địch trong hàng trăm trận chiến, cũng không vĩ đại bằng tự chiến thắng và chinh phục chính mình”. Chỉ cần đủ lòng quyết tâm và kiên trì, hoa thơm trái ngọt mà chúng ta gặt hái sẽ xứng đáng với công sức mà mình đã bỏ ra.
Bên cạnh đó, hãy luôn nở nụ cười chân thành. Nếu như bạn nở nụ cười thân thiện với người ghét mình, tưới tẩm những giọt cam lồ được chắt lọc từ lòng yêu thương và sự bao dung lên trái tim hận thù của họ, sẽ có một điều kì diệu xảy ra. Gương mặt rạng rỡ với năng lượng tích cực tràn trề đủ để làm tan chảy bức tường đóng băng vô hình giữa mình và người. Chỉ có tình yêu thương mới đủ để chuyển hóa những tư tưởng bất thiện thành những ý niệm thiện lành đúng đắn. Hận thù chỉ khiến cho lập trường của kẻ thù càng trở nên kiên định hơn.
Hãy đối đãi bằng tâm từ bi yêu thương và sự cảm thông chân thành, dù nhân vật vĩ đại hay chỉ là một sinh linh nhỏ bé, đều bình đẳng và xứng đáng được yêu thương. Đức Thế Tôn từng nói: “Thân xác con người rồi sẽ hóa thành cát bụi, nhưng những ảnh hưởng và cống hiến của họ đối với cuộc đời sẽ được lưu truyền đến nhiều đời sau nữa”. Khi chúng ta nhìn thấy sinh mệnh của mình không gì hơn, cũng chỉ là một giọt nước trong dòng thác không ngừng đổ về phía trước, chúng ta sẽ trân quý thời gian hơn để dốc hết sức mình hiến dâng một phần năng lượng mỏng manh nhỏ bé đến cho cuộc đời.
Chú thích:
* Thích Quảng Lâm (biên dịch), Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Biên phiên dịch tư liệu Phật giáo quốc tế.
Đại Đức Thích Quảng Lâm