Về quê xây lại mái nhà

Má lọ mọ dậy từ sớm mờ, bởi thói quen mấy chục năm qua chẳng thể bỏ. Căn nhà được má quét tinh tươm từ trong bếp ra tới ngoài sân. Rồi má xách từng gàu nước giếng tưới cây, dù máy bơm đã được chị gắn sẵn dây ống xịt.

Về quê xây lại mái nhà - Ảnh 1.

Cùng má lên nổng cát thắp nhang cho ba

1. Chưa năm nào má có mặt ở nhà vào khoảng thời gian này, khi mà con người ta phải chạy đua từng chút một cùng với đất trời. Cuối chạp, tới cơn gió còn vội vàng gấp rút. Người bận làm deadline, kẻ đang lo doanh số.

Má luôn hối hả với gánh trái cây ngang dọc từng kiệt hẻm Đà thành, ráng tranh thủ mấy ngày cận cuối, gom thêm ít đồng lẻ đặng mâm cơm ngày Tết có chút thịt. Cỡ chừng gần tới giao thừa má mới quảy đôi gánh cùng ít bánh kẹo, nem tré mua ngoài phố về.

Suốt chừng đó năm trời, chị quen dọn dẹp vườn tược một mình, quen tự đếm từng cơn gió lùa bếp lửa, không dưng thấy cảnh má dậy nấu cơm rất lạ lẫm.

2. Ngày đó, nhìn con mèo lim dim trong đống tro ấm, má từng khẽ khàng đưa tay lau mắt. Trên những đoạn đường in mòn dấu chân mưu sinh, má đã mơ tới một căn nhà đàng hoàng để cột cái mùng, trải tấm chiếu ngả lưng.

Thế nhưng, má luôn phải kết thúc một ngày dài trong phòng trọ xập xệ, ẩm thấp, chẳng có nổi cái cổng chốt gài.

Chị xa quê từ năm mười bảy tuổi. Ngót nghét mười sáu năm trời thiên di gán đời mình nơi gác trọ, hơn ai hết, chị thấm thía tới tận cùng cái lạnh lẽo của căn phòng thiếu vắng tình thân.

Mấy năm nay, trong mỗi cuộc gọi cho chị, má đều hỏi bao giờ chị về. Cái nhà cấp bốn xiêu vẹo rúm ró hồi đó ba sống, cuối cùng cũng tốc mái sau trận bão lớn.

Má phải che tạm tấm bạt để kê giường. Suốt cả đời, ba chị đã nợ má một mái ấm đàng hoàng. Ba không còn nữa, nên chị sẽ dành cho má một căn nhà.

3. Bất chấp chị cản ngăn, bé út bỏ ngang công việc đang yên ổn ở phố, về quê với má. Giữa phố xá chông chênh, chứng kiến bao lời yêu thương để lỡ, em sợ rằng cứ chần chừ thì lại lỗi hẹn. Em nói phải thực hiện xong điều mà hai chị em canh cánh trong lòng ngần ấy năm qua. Em về xây cho má một nơi chắc chắn để ở. Chị đã gửi tiền để bé út hoàn thành ước mơ đó. Những gì hai chị em chưa làm được cho ba thì sẽ dành trọn về phía má.

Em về còn để thứ tha cho chính mình. Cho lời trách cứ tủi hờn mà em thốt ra với ba trong những trận đòn đau thấu tuổi thơ. Cho bấy nhiêu năm tháng rời bỏ người cha nát rượu, mong tìm đường giải thoát khỏi cơn thịnh nộ người say trời đất gầm. Cho cái ngày cả hai chị em quay lại, chẳng kịp chào tạm biệt ba lần cuối.

Bắt đầu đào hố móng, bé út tới lui cầm thước đo từng xen ti mét. Mười giờ đêm em còn loay hoay bơm nước đầm đất dầm nền. Từng viên gạch được xây nên, bức tường hoàn thành, mái nhà cũng lợp xong.

Mỗi khoanh sắt, mỗi cái cửa, mỗi thiết bị, tự tay em chọn lựa cẩn thận. Bé út nấu trà mua thuốc, chăm cho thợ những bữa nửa buổi. Làm giấy tờ xin phép, tính toán vật liệu tiền công, một mình em lo liệu.

Chị không biết từ bao giờ, cô em gái bé nhỏ của mình đã trở thành người lớn chín chắn như vậy. Trong khi mọi người đang gồng mình chống dịch thì em gánh nắng nôi xây nhà. Tạo dựng được nơi an trú, đó chính là cách tốt nhất để chuẩn bị cho tương lai.

Mảnh đất này, từ nay sẽ có một ngôi nhà vững chãi, do chính em gái coi ngó xây dựng bằng số tiền dành dụm cả thời tuổi trẻ của chị. Căn nhà đó sẽ che nắng che mưa cho má, là chỗ để má nghỉ ngơi tuổi già, và cũng là nơi chốn để hai chị em quay về.

Về quê xây lại mái nhà - Ảnh 2.

Khu vườn ngày xưa

4. Má ra phía trước hông nhà, cắt tỉa mấy chậu bông hồng, trồng thêm mớ cúc vạn thọ. Dăm luống rau cải xà lách má gieo hạt đã mọc lấm tấm lá xanh, ướm chừng tới mùng một là có rổ rau sống tươi non ăn kèm thịt heo muối.

Dây đậu tây bắt đầu bò cao lên bờ rào, chắc sẽ kịp sai trái để má cắt xào nấm làm mâm cơm chay cúng ba.

Chị dường như vẫn chẳng tin được. Ở vị trí đó, ngày trước luôn là bóng lưng của ba. Sắp được sáu mùa rồi, khu vườn vắng bàn tay ba. Nghe như xuân cũng chạnh lòng.

Bây chừ má thay vào khoảng trống mà ba đã để lại, chăm chút cho vườn cây tươi tốt. Người nhà quê bao đời đều phải có những mầm xanh thì mới thấy Tết về. Mỗi người bắt đầu vun vén từng chút một cho mùa xuân mới.

Má muối mớ xơ mít rồi kho nồi cá nục như ngày xưa ba hay nấu. Bé út mỗi khuya kéo mền che chân má hệt hồi nhỏ chị đắp cho em. Rồi hai má con xúm lại trong căn bếp lần đầu được đỏ lửa vào đêm giao thừa.

Không khí ấm áp ấy áng chừng lan tỏa sang tận trời Âu, xoa dịu nỗi lòng se sắt lạnh của người con gái lấy chồng xa xứ. Chị cũng muốn chạy thật nhanh về nhà, để cùng ăn bữa cơm ấm nóng với má và bé út. Thôi đành nhờ em ôm má giúp chị.

Bé út chở má về quê nội vào sáng đầu năm. Con bé con lúc trước ngồi đằng sau gác-ba-ga chiếc xe đạp cọc cạch của ba, nay đã tự nhớ đường đi. Em cùng má đi bộ lên nổng cát trắng, ghé mộ thắp cho ba nén nhang, biết rằng lòng mình vẫn luôn nhớ những dấu yêu thuở trước.

Trải qua mất mát, ta ngoái nhìn người xa khuất, để trân trọng hơn những gì còn lại trên cuộc đời này. Ví như nụ cười tươi rói của má, lúc chuyển qua nhà mới – ngôi nhà tươm tất đầu tiên có được trong đời người đàn bà gần bảy chục mùa xuân ở trọ.

MỘC YÊN