Sự lộn xộn của những đôi dép

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1174 - Ảnh: NT

Tôi tình cờ đọc được những dòng cảm xúc của một chị trên facebook. Chị kể về việc bỗng một buổi chiều sau khi tan làm thấy nhớ mẹ quá liền lái xe đưa con về quê.

Trên đường đi chị dừng lại ở một quán ốc, định bụng mua về ăn cùng mẹ nhưng nước mắt cứ thế chảy giàn giụa đành quay xe đi tiếp. Vì món ốc gợi chị nhớ đến những ngày bố nằm viện. Hôm ấy chị cũng order một đống ốc về uống bia cùng mẹ, ngồi tính chuyện khi đón bố về nhà. Sẽ tập cho bố đi lại thế nào? Hàng ngày sẽ nấu món gì cho bố ăn? Nhưng chẳng bao lâu sau bố mất để lại nỗi nhớ thương khôn ngoai trong lòng chị.

Chỉ kể về giây phút về tới nhà, những chú chó vui đến mức cào xước cả tay mình. Kể về niềm vui của mẹ khi thấy con cháu về bất ngờ, không một lời báo trước. Kể về tám đôi dép được mẹ để sẵn đi riêng từng khu vực trong nhà. Những đôi dép cùng kiểu dáng và màu sắc, chẳng biết phải phân biệt ra sao. Khiến ngày nào chị cũng bị mẹ mắng vì đi nhầm mỗi khi đổi khu vực di chuyển trong nhà. Ngay cả việc không xếp cân mũi dép cũng khiến mẹ cằn nhằn mãi không thôi. Nhưng chị vẫn hạnh phúc khi được trở về nhà giữa “muôn trùng mắng mỏ của người già”. Chị hạnh phúc khi ngày mai sẽ được chở mẹ đi chợ sớm.

Dưới bài viết của chị là hàng loạt comment của bạn bè thân thiết. Đa phần họ đều vui vẻ kể về những đôi dép “đáng sợ” trong căn nhà của mẹ. Để rồi chợt nhận ra những người mẹ sao giống nhau đến thế. Nhận ra cha mẹ đã già rồi, những lo toan nhàu nhĩ một đời hằn sâu trong nếp nghĩ. Mà người già thì thường hay lẩm cẩm, cằn nhằn từ những chuyện vụn vặt đời thường. Nhận ra nếu sớm mai thức dậy còn được nghe tiếng cha mẹ rầy la thì ta đã là người hạnh phúc. Bởi như ai đó từng comment dưới bài viết của chị: “Dép em luôn lộn xộn chị ơi. Bởi chẳng còn ai mắng”.

Tôi nhớ vài năm gần đây khi bố mẹ đã già hơn thì những lần về thăm nhà của mình cũng đầy những lời càm ràm như thế. Cũng vẫn là chuyện những đôi dép bị đi lộn xộn trong nhà. Dép ra sân thì không được đi vào nhà. Dép trong nhà thì không được đi vào nhà vệ sinh. Sau khi ra vườn về thì đừng quên thay dép ở góc sân, dẫu có bị lũ muỗi vằn bám theo, dẫu trong bếp chảo thịt rang sắp cháy.

Mẹ đi từ nhà ngoài vào bếp, cầm chổi lau đi lau lại vết dép bẩn dưới sàn, đặt chiếc cốc uống nước về đúng nơi của nó, treo cái khăn lau tay cho thẳng thớm… mẹ không ngừng mắng mỏ. Hệt như ngày xưa lúc mấy anh em tôi còn bé, nghịch ngợm và bày biện. Mẹ đi đến đâu nhà gọn gàng, sạch sẽ đến đó. Những đồ vật được về đúng vị trí và chúng tôi im thin thít trước lời mẹ trách mắng vì biết lỗi của mình.

Tháng trước mẹ ốm phải nằm viện điều trị. Đấy là lần đầu tiên mẹ vắng nhà cả tuần. Tôi lên thăm mẹ, đảo qua nhà lấy ít quần áo. Vừa bước vào cửa, nhìn thấy những đôi dép lộn xộn mũi tôi chợt cay xè. Mẹ là linh hồn của căn nhà. Vắng mẹ, nhà cửa đìu hiu, trống trải. Những đồ vật trong nhà dù có cố gắng sắp xếp thế nào vẫn không khỏi bộn bề. Tôi ước gì mẹ mau khỏi bệnh để được trở về nhà mắng vốn cháu con. Mấy câu thơ tôi từng viết bất chợt lại ùa về: “Những buổi sáng thức dậy ở nhà mẹ ít dần đi trong đời/ Điều thân thuộc rồi sẽ thành điều ước/ Những âm thanh thường nhật rồi sẽ chỉ vang trong ký ức/ Mẹ ở đây rồi cũng hóa mây trời…”.

Trong một bộ phim ngắn quảng cáo nước lau sàn trên ti-vi, có người bố nói với con gái mình rằng: “Con làm vợ, làm mẹ mãi rồi. Thỉnh thoảng con cứ về nhà để còn được làm con nữa”. Con gái sau khi xem phim, cứ mỗi lần thấy tôi về quê đều nói với bố rằng: “Mẹ về nhà ông bà ngoại để lại được làm con đấy ạ”. Có khi tôi cố tình đi sai dép khu vực cấm trong nhà, cái khăn cố tình treo sai chỗ. Bởi nhớ quá, tôi thèm được nghe mẹ mắng vốn vài câu như lúc nhỏ. Để thấy mình dù có lớn khôn thế nào thì vẫn cứ thơ bé, vụng về trong mắt mẹ đấy thôi…