Tại sao có câu “Ma xui quỷ khiến”?
Con có thắc mắc rằng: Nếu suy nghĩ và hành động nơi thân, khẩu, ý của chúng ta tạo nên con người, cuộc sống của chúng ta thì tại sao lại có câu “ma xui quỷ khiến”, “quỷ tha ma bắt”?
Nếu là “ma xui quỷ khiến” thì chúng ta không làm chủ được bản thân, vậy làm sao nói chúng ta làm chủ được cuộc đời mình? Con kính mong Thầy chỉ dạy giúp con. Con xin tri ân Thầy ạ.
Thầy Thích Trúc Thái Minh trả lời:
Câu nói “quỷ tha ma bắt” là một câu nguyền rủa, ví dụ khi chúng ta đang giận một người hoặc có một ai đó làm chúng ta ghét và muốn cho họ biến mất khỏi tầm mắt thì chúng ta nói “Quỷ tha ma bắt mày đi”.
Còn câu “ma xui quỷ khiến” quả thực chúng ta phải suy ngẫm. Đức Phật dạy: thân người được cấu tạo bởi năm ấm (hay năm uẩn) bao gồm sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Sắc ấm là thân vật chất cấu tạo từ đất, nước, gió, lửa; 4 ấm còn lại (thọ, tưởng, hành, thức) thuộc phần tinh thần. Tâm chúng ta suy nghĩ điều này, điều kia là do phần tinh thần điều khiển thân tâm, mọi hành vi và tạo nên các nghiệp cho chúng ta. Cho nên thân tâm của chúng ta chịu ảnh hưởng của nghiệp tiền kiếp vì nghiệp tiền kiếp tạo nên thân (sắc uẩn) và những cấu tạo của 4 cái uẩn còn lại.
Mặc dù bị nghiệp tiền kiếp chi phối rất lớn, tuy nhiên, khi sang kiếp này, chúng ta vẫn có phần chủ động để chúng ta chuyển nghiệp. Còn người hoàn toàn để nghiệp chi phối thì thực sự người đó chưa đủ phẩm chất là người. Vì vậy, chúng ta suy nghĩ và hành động để chúng ta làm nên cuộc đời của mình, sướng hay khổ cũng do chúng ta quyết định. Có thể chúng ta phải trả một quả báo khổ, nhưng ngay khi trả quả ấy mà chúng ta tạo được nhân lành thì tương lai sau khi trả hết quả khổ, chúng ta sẽ được quả vui và hạnh phúc.
Trong Phật giáo, ma và quỷ là hai thành phần có trong lục đạo luân hồi. Có nhiều người không tin có ma quỷ nhưng chúng ta là đệ tử Phật thì chúng ta biết chắc và tin chắc có ma quỷ. Vậy ma quỷ có xui khiến được chúng ta không? Câu trả lời là có nhưng không phải ai cũng bị ma quỷ xui khiến được, mà phải có duyên có nợ ma quỷ mới xui khiến được. Thân của chúng ta không phải ma quỷ nào cũng nhập được vào mà phải có duyên nghiệp, không phải vô duyên vô cớ, vô nghiệp, vô nợ nần mà ma quỷ có thể vào được thân của chúng ta. Cho nên, có người cả đời không bao giờ bị ma quỷ nhập; nhưng có người thì liên miên, vài ngày lại bị nhập một lần. Có trường hợp thi thoảng bị nhập, rồi bị ma quỷ hành, cũng có người lại bị ma quỷ hành cả đời.
Chúng ta biết, thân này không phải hoàn toàn của chúng ta mà là của chung. Thời xưa, các vị tu tiên họ có phép đoạt xá, tức là người ta có thể đột nhập vào thân của chúng ta, đẩy thần hồn của chúng ta ra để chiếm luôn thân. Như câu chuyện “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, họ dựng lên tích chuyện hồn của Trương Ba, da của ông hàng thịt nhưng trong chuyện cũng có những hiện tượng có thật ở đời. Ví dụ có nhiều người bị vong nhập rồi trở thành một con người hoàn toàn khác, ăn như ma đói, đó gọi là những người bị ma xui, quỷ khiến.
Còn với những ai chính thức quy y Tam Bảo, chính thức thọ giới của Phật một cách chân thành phát nguyện, kính tín và giữ gìn giới đức của Phật thì họ thường được chư Thần hộ trì nên rất hiếm khi, rất ít khi và có lẽ là không thể bị ma quỷ dựa nhập được. Vì mỗi một giới của Phật được năm vị thần theo ủng hộ, cho nên, nếu giữ năm giới có 25 vị giới thần ủng hộ. Còn những ai chưa từng quy y Tam Bảo, lại có mắc nợ duyên với oan gia trái chủ tiền kiếp thì rất có thể bị ma xui quỷ khiến.
Chúng ta biết thế giới này không phải chỉ có con người và súc sinh mà còn có thế giới vô hình, vô lượng vô biên quỷ thần, ma quái tác động đến chúng ta rất nhiều. Nếu chúng ta không tu tập thì không thể dễ gì nhận ra thế giới này là họ ảnh hưởng, chi phối chúng ta rất nhiều. Cho nên, khi chúng ta đã biết đến Phật Pháp thì hãy phát nguyện quy y Tam Bảo, giữ giới của Phật và tu tập để bản thân có phước báu, có thiện thần hộ trì để không bị ác thần, ma quỷ ám nhập, xui khiến.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh