Về Chí Linh chiêm ngưỡng ngôi cổ tự linh thiêng, hữu tình
Nằm trong hệ thống những ngôi chùa thuộc Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, chùa Thanh Mai (thuộc xã Hoàng Hoa Thám, TP Chí Linh, Hải Dương) được biết đến là ngôi chùa cổ rất linh thiêng ở chốn rừng sâu, núi cao. Ngôi chùa trang nghiêm, tĩnh mịch đặc biệt thu hút khi những cây phong vào mùa đổ lá đỏ…
Chùa Thanh Mai được khởi dựng vào thế kỷ XIV, tọa lạc trên sườn núi Thanh Mai (còn gọi là núi Tam Ban, thuộc thôn Thanh Mai, xã Hoàng Hoa Thám). Đây cũng là vùng đất xung yếu gắn liền với lịch sử quân sự các triều đại trong các cuộc đại chiến chống giặc phương Bắc. Chùa cách Quốc lộ 18A chừng 12km, là điểm dừng chân của du khách khi hành hương lễ Phật về chốn Yên Tử.
Đây cũng là một trong những Trung tâm Phật giáo nổi tiếng của nước ta dưới thời nhà Trần và còn là nơi gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp của Thiền sư Pháp Loa, vị tổ thứ 2 của Thiền phái Trúc Lâm Tam tổ, khi ngài tu hành, biên soạn kinh, sách về đạo Phật lúc sinh thời.
Trải qua năm tháng và chiến tranh tàn phá, chùa Thanh Mai hiện nay chỉ còn giữ được bia “Viễn thông Thanh Mai tự” có nội dung ghi chép lại thân thế và công ích của Thiền sư Pháp Loa và một số bia ký ghi lại việc trùng tu tôn tạo chùa vào các đời Vĩnh Thịnh và Chính Hòa.
Ngôi cổ tự này còn là một trong những đại danh lam của tỉnh Hải Dương, với vị thế đẹp lại gắn liền với các vị Tổ sư Trúc lâm, vì vậy mà từ xưa người ta đã biết đến như một chốn Tổ. Chùa được dựng trên núi cao, ẩn khuất sau rừng lá phong đỏ bạt ngàn nên từ xa đã thấy thấp thoáng chốn thiền môn linh thiêng, huyền bí. Mỗi lần tiếng chuông chùa ngân lên, vang xa muôn dặm như nhắc nhở lòng từ bi của Đức Phật trong tiềm thức của mỗi người.
Chùa Thanh Mai vốn có quy mô rộng lớn 16ha và nhiều hạng mục công trình. Theo bia ký, chùa là một cơ sở thờ tự lớn bao gồm: Phật điện, nhà tổ, nhà mẫu, tăng đường, nhà khách, gác chuông, nhà chứa kinh… Nhiều lần trùng tu, tôn tạo lại bị chiến tranh tàn phá vì vậy về mặt kiến trúc chùa đến nay không còn chứng tích. Hiện ban quản lý cũng như nhà chùa cố gắng phục dựng lại theo nguyên mẫu xưa, tuy nhiên không tránh khỏi những cách điệu phù hợp với văn hóa, nghệ thuật kiến trúc đương thời.
Ngôi chùa ngày nay có tổng thể kiến trúc gồm các hạng mục chính như: Tam quan, lầu bia, điện Phật, nhà tổ, nhà mẫu, nhà khách, tăng đường và các công trình phụ khác xây dựng theo kiến trúc thời Trần. Trong đó, Tam quan được làm theo kiểu “chồng diêm”, gồm 2 tầng, 3 gian, 8 mái. Tầng dưới có 3 cửa đi, kết cấu khung bằng gỗ lim. Nền lát gạch đỏ, xây tường 2 hồi với tổng diện tích 60m2, hoàn thành năm 2009. Từ Tam quan qua một khu vườn rộng là lên tới sân chùa.
Lầu bia kết cấu khung bằng gỗ, với 4 cột đường kính 30cm. Mái có 2 mái, 4 đầu đao, lợp bằng ngói mũi hài. Nền cao lát gạch đỏ, ốp đá xanh. Chính giữa dựng bia ký đặt trên lưng rùa đá. Chùa chính có kiến trúc kiểu chữ đinh, với 7 gian tiền đường, 3 gian hậu cung, có các xà ngang, con rường, giá nghiêng theo kiểu “chồng rường bát đấu”. Đây là loại hình kiến trúc phổ biến đời Trần.
Chùa khởi công và hoàn thành năm 2005. Từ chùa chính qua một khoảng sân rộng phía sau là nhà tổ. Phía sau nhà tổ là tháp Viên Thông thờ nhục thân Thiền sư Pháp Loa, tổ đệ nhị Thiền phái Trúc Lâm. Ngoài các công trình này, chùa Thanh Mai còn có một số hạng mục công trình khác như tăng đường, nhà kho… Hệ thống thờ tự tại chùa cho đến nay không còn lưu giữ được pho tượng nào, toàn bộ tượng đều được làm mới trong giai đoạn trùng tu hiện nay.
Thầy Thích Chí Chung, trụ trì chùa Thanh Mai cho biết, là một di tích lịch sử quan trọng, năm 1980, chùa đã được đầu tư khôi phục dần dần theo từng hạng mục. Năm 1992, chùa được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Nhưng quy mô còn nhỏ hẹp, lại ở nơi heo hút, đường sá không thuận tiện nên trừ ngày lễ, dịp Tết, những ngày còn lại ngôi chùa khá yên ắng và tĩnh lặng, ít người lui tới.
Nơi đây không chỉ được biết đến là ngôi chùa linh thiêng, cổ kính mà còn đặc biệt nổi tiếng với không gian ngập tràn của những cây phong đang mùa đổ lá đỏ xung quanh chùa vào mùa đông. Chính điều này đã giúp mấy năm gần đây thêm thu hút các du khách đến thăm, thưởng ngoạn tại chùa Thanh Mai.
Bởi khi đến đây, dọc con đường bê tông nhỏ dẫn lên chùa, xung quanh, du khách sẽ được chiêm ngưỡng, ngắm nhìn những gốc cây phong cổ thụ 2-3 người ôm hay những cây phong có kích thước nhỏ mọc rất nhiều và chỉ có ở nơi này mới có, trong khi các ngọn núi khác gần đó không hề có. Rất nhiều bạn trẻ đã về đây để leo núi trải nghiệm hoặc chụp ảnh kỷ niệm…
Theo chia sẻ của chị Hoàng Thị Dương, đến từ Bắc Ninh, thời gian này đang là thời điểm lá phong chuyển sang màu đỏ, màu vàng đẹp mắt và còn đẹp kéo dài đến hết tháng Một năm nay. Dù lá phong ở đây không đồng loạt đỏ rực như thường thấy ở trên phim ảnh hoặc ở phương Tây mà chỉ lác đác biến sắc rồi rụng nhưng cũng đủ để làm những người yêu sắc màu thiên nhiên mê mẩn, muốn đến đây để chiêm người. Những chiếc lá phong cuống dài, xẻ ba thùy với mép răng cưa rụng xuống có thể là món quà độc đáo để mỗi du khách mang về dành tặng cho bạn bè, người thân làm kỷ niệm.
Chính rừng phong lá đỏ bao quanh chùa Thanh Mai đã tạo cho nơi đây một cảnh sắc thật quyến rũ mỗi độ đông về. Tìm về với ngôi cổ tự linh thiêng, cổ kính này vào những ngày này, du khách không những sẽ được tận hưởng sự tĩnh lặng chốn cửa thiền mà còn được tận mắt ngắm nhìn bức tranh sơn thủy, hữu tình với sắc đỏ diệu kỳ của lá phong không dễ gì gặp được ở Việt Nam.
Dương Tươi