Nồi mùi già ngày tết đánh thức cả trời thương nhớ
Mùi già ngày tết thật kỳ lạ, thơm ngay từ khi ta đứng cách hàng bán một quãng xa. Nó làm nên một cái tết trọn vẹn, đủ cả hương vị, dư âm.
Cây mùi già ngày tết đánh thức bao hồi ức
THƯƠNG THƯƠNG
|
Tết Nguyên đán ở miền Bắc bắt đầu bằng cái rét căm căm, chợ trước tết ồn ào tấp nập từ sáng tinh mơ tới chiều muộn. Ai cũng mua sắm hối hả. Và trong số những mặt hàng của người đi chợ, chẳng thể nào thiếu bó mùi già-cây rau mùi (ngò rí) để lớn thật cao, trổ hoa, đậu quả và cho khô lại trên đồng rồi mới nhổ về.
Trẻ nhỏ thấy bà đi chợ mua về bó mùi già đều không khỏi thắc mắc. Không phải hoa, cũng chẳng phải rau, bà mua về những bó cây khô khốc này để làm gì? Bà cười hiền hậu “cây mùi già này để đun nước tắm vào chiều 30 tết, rửa mặt sáng mùng 1 tết với hy vọng gột rửa những muộn phiền, không may mắn của năm cũ và đón một năm mới an khang, may mắn hơn”. Trẻ con hớn hở, đứa nào cũng trông chờ chiều 30 tết để được tắm nước lá mùi đầu tiên.
Cây mùi già khiến một cái tết đủ hương vị, đủ dư âm
THƯƠNG THƯƠNG
|
Niềm tin luôn có một chỗ đứng nhất định trong đời sống của người Việt, đặc biệt vào ngày tết cổ truyền. Những điều thuộc về phong tục, truyền thống của ngày Tết Nguyên đán không tự nhiên được kế thừa, lưu giữ, nối truyền từ đời này sang đời khác. Đó là sự tiếp nối có ý thức khi ông bà cha mẹ cùng cho con cháu được trải nghiệm đời sống thực tế của văn hóa và là người kể chuyện, để những đời sống ấy ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người.
Đã là cha mẹ của những đứa trẻ, chúng tôi vẫn chẳng thể nào quên được những cái tết khó khăn của ngày xưa. Tết Nguyên đán là dịp duy nhất trong năm được cùng gói bánh chưng, chờ bánh chín, vớt những chiếc bánh đầu tiên bên gia đình. Tết Nguyên đán được ríu rít đi chợ tết, mua hoa đào, hoa thược dược, bó lá mùi già để cùng tắm vào ngày cuối năm. Tết, được mua những bộ quần áo thật đẹp và ngóng những bữa cơm đoàn tụ khi ai đi xa cũng trở về nhà.
Nồi mùi già thơm lừng ngày tết
THƯƠNG THƯƠNG
|
Sự tiếp nối, gìn giữ tết trong chính gia đình của mình được chúng tôi kế thừa từ cha mẹ, để chính mình trở thành người kể chuyện, người cùng con và các cháu trải nghiệm không gian tết.
Bởi thế nên, có những người Bắc xa quê hương khó khăn để tìm được bó lá mùi già ngày tết. Họ tìm được sự thay thế trong những cây mùi già còn tươi hay gói lá tắm giao thừa được sấy khô, đóng sẵn trong những chiếc túi lọc, để hoài niệm không khí của mùa xuân, ôn lại những ký ức đã có bên người thân những ngày rất xa.
Và nhịp sống hiện đại đến đâu, gia đình chúng tôi vẫn giữ nếp quen thuộc chiều 27 gói bánh chưng, 28 tết luộc bánh, 29 tết thì vớt bánh để 30 tết tươm tất mâm cơm cúng tất niên giao thừa.
Một nồi lá mùi già ngày tết có thể tẩy hết những muộn phiền, xui xẻo, vất vả trong năm cũ và đón những may mắn, phát tài của năm mới hay không? Chưa chắc. Nhưng những niềm vui và sự kết nối gia đình-kết nối thế hệ bên bó lá mùi già ngày tết thì được đánh thức và trường tồn ở đó qua tháng năm.
Trẻ được tham gia vào công đoạn làm bánh chưng, thực hành và tiếp thu văn hóa
THƯƠNG THƯƠNG
|
Chị Đỗ Ngọc Bích, một nhà cố vấn chiến lược truyền thông, cho rằng văn hóa và truyền thống không thể chỉ tồn tại trong sách vở, tài liệu. Tất cả dần dần sẽ mai một nếu không thể liên tục duy trì tần suất hiện diện trong đời sống thực tế. Do đó, việc giáo dục và truyền thông về văn hóa, đặc biệt là giáo dục thế hệ tương lai sẽ là giải pháp bền vững, để truyền thống của mỗi dân tộc được nối dài, không gián đoạn. Với trẻ nhỏ, các con không chỉ tiếp thu, học hỏi qua các kênh nhìn-nghe (đọc sách, xem video hay nghe phụ huynh truyền miệng).
Trải nghiệm, thực hành và vui chơi vẫn là cách tiếp nhận hấp dẫn và thấm thía nhất. Mà ngày Tết Nguyên đán, với những truyền thống về tắm nước lá mùi già, hay cùng gói bánh chưng, bánh tét, treo cây nêu, cắm hoa đào, hoa mai… luôn là một cách tuyệt vời để những giá trị tốt đẹp được đáp đền-tiếp nối.