Khó thay, sống xấu hổ

“Khó thay, sống xấu hổ, Thường thường cầu thanh tịnh. Sống vô tư, khiêm tốn, Trong sạch và sáng suốt.”

(Tiểu Bộ Kinh Nikàya. XVIII. Phẩm Cấu Uế. Pháp Cú 245 Bản dịch từ tạng Pali của Hòa thượng Thích Mình Châu).

Dưới đây là bản dịch của một dịch giả khác, được một đạo hữu chia sẻ với Tâm Tịnh qua Zalo:

Khó thay sống khiêm tốn

Thanh tịnh tâm vô tư

Giản dị đời trong sạch

Sáng suốt trọn kiếp người

(Pháp Cú 245)

Tâm Tịnh xin được luận giải theo thiển ý của mình những vần kệ của Pháp Cú 245 do cố Hòa thượng Thích Minh Châu dịch từ tạng Pali, cùng với việc tham chiếu Tích truyện Kinh Pháp Cú 245, nhằm hỗ trợ ý pháp sâu sắc trong bài kệ vi diệu này.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Trong tích chuyện Kinh Pháp Cú 245 có đoạn Đức Phật nói: “Này các Tỳ-kheo, người nào không biết xấu hổ, trơ trẻn, bất lịch sự thì sống thoải mái. Người nào thành thật và sợ từng lỗi nhỏ, thì sống dè dặt.”, chỉ dấu cho thấy sống xấu hổ, sợ từng lỗi nhỏ là hai tâm Tàm Quý, có khả năng đoạn giảm, hướng thượng, là căn bản để xa lìa bất thiện pháp, tích tập thiện pháp, đoạn ác tu thiện.

Từng câu kệ của Pháp cú 245, không thừa, không thiếu, cho thấy pháp môn tiệm tu (từ thô đến vi tế): Căn bản là từ tâm Tam Quý để tu thiện pháp, xa lìa bất thiện. Muốn tu thiện pháp, hành giả thường có tâm cầu thanh tịnh: hai câu kệ đầu tiên chỉ dấu của con đường diệt khổ, đầy đủ Bát Chánh Đạo: Khi có tâm cầu thanh tịnh, thì nhờ Chánh Kiến, và Chánh Tư Duy trên căn bản của Tâm Tàm Quý (Xấu hổ), sợ những lỗi lầm nhỏ, xấu hổ với thân, khẩu, ý bất thiện, nên hành giả quán sát trước khi nói và hành động liệu khẩu hành nghiệp hoặc thân hành nghiệp sắp thực hiện có gây hại mình, hại người, hại cho cả hai hay không? Vì thế, khi xét thấy không hại mình, không hại người khác, không hại cả hai mà ngược lại có lợi khi nói và hành động, đó là Chánh Ngôn ngữ, Chánh Nghiệp. Vì sợ từng lỗi nhỏ do có tâm tàm quý (xấu hổ). nên khi nuôi mạng sống, khi thọ thức ăn, hành giả hết sức chánh niệm tỉnh giác với ý niệm thọ thức ăn để nuôi thân vì mục đích phạm hạnh thanh tịnh chứ không vì dục lạc của thức ăn mang lại, tức là Chánh Mạng. Một khi, hành giả kiên tâm thực hành như vậy là Chánh Tinh Tấn, được hỗ trợ bởi Chánh Niệm, và Chánh Định là kết quả của bảy chi phần trên.

Tuy nhiên, thực hành như vậy vẫn là pháp hữu vi nên câu kệ thứ ba của Pháp Cú 245 khuyên: Sống vô tư, khiêm tốn, tức là hành giả không nên chấp vào việc tu tập thiện pháp của mình, không chấp vào sự thanh tịnh tâm do thiện pháp tích tập mang lại, ngăn chặn tâm kiêu mạn vì thiện pháp thành tựu, rồi dễ sanh tâm chê bai, chỉ trích, hay bất kính với các Thượng tọa, hay Tỳ Kheo, hoặc Thiện Tri Thức hay bất kể ai. cho nên cần phải khiêm hạ. Thành thục pháp này vẫn còn là hữu vi vì còn thấy cái ta đang xả, cái ta khiêm hạ, cho nên câu kệ thứ 4 của Pháp Cú 245 là Trong sạch và sáng suốt tức là buông, không chấp trước, không chấp thiện, chấp ác, tức vô trụ (trong sạch), vô minh lậu đoạn tận, tâm được sáng suốt như vậy hành giả chứng đạt tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

Qua đó, Bốn câu kệ của Pháp Cú 245 không thừa, không thiếu được Hòa thượng Thích Minh Châu dịch từ Pali thể hiện tuệ giác của Hòa thượng đã lột tả rất tóy ý pháp sâu xa của bài thuyết pháp từ Tuệ Giác của Thế Tôn. Thật tuyệt vời!

Tâm Tịnh xin chia sẻ bài pháp giải này đến quý đạo hữu, và xin trích đoạn tích truyện Kinh Pháp Cú để quý Pháp hữu có cái nhìn sâu sắc hơn về bản dịch của cố Hòa thượng Thích Minh Châu.

Sau đây là tích truyện giải thích tại sao có Pháp cú 245 (đoạn trích từ Tích Tuyện Kinh Pháp Cú):

6. Lịch Sự Và Thô Lỗ

Dễ thay, sống không hổ …

Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại Kỳ Viên, liên quan đến Culla Sàri ở chung với Tôn giả Xá-lợi-phất.

Một ngày nọ, thầy Tỳ-kheo đó làm khán bệnh, thầy nhận được thức ăn bổ dưỡng. Trên đường đi thầy gặp một Tôn giả đang khất thực, bèn mời:

– Tôn giả, tôi có ít thức ăn thượng vị được bệnh nhân cúng dường, không dễ gì có, xin mời Tôn giả ăn. Lần khác, nếu tôi nhận được, tôi sẽ mang cho Tôn giả.

Tôn giả nghe nói, nhưng cứ đi không trả lời. Các Tỳ-kheo đem câu chuyện đó bạch Phật. Phật dạy:

– Này các Tỳ-kheo, người nào không biết xấu hổ, trơ trẻn, bất lịch sự thì sống thoải mái. Người nào thành thật và sợ từng lỗi nhỏ, thì sống dè dặt. Ngài nói Pháp Cú:

(244) Dễ thay, sống không hổ,

Sống lỗ mãng như quạ,

Sống công kích huênh hoang,

Sống liều lĩnh, nhiễm ô.

(245) Khó thay, sống xấu hổ,

Thường thường cầu thanh tịnh,

Sống vô tư, khiêm tốn,

Trong sạch và sáng suốt.

Tâm Tịnh