Ông Toàn giữ cẩn thận tấm hình chụp thời chưa “bị trượt dốc” – Ảnh: DIỆU QUÍ
Tiền trúng số là lộc may nhưng cũng có thể là họa. Nếu sử dụng tiền không tốt, trời sẽ lấy lại vì đó là tiền từ trên trời rơi xuống. Tiền đó của nhiều người góp đưa cho mình, bao nhiêu người thua thì mình mới thắng. Tôi biết có vài người trúng số xong một thời gian sau còn khổ hơn lúc chưa trúng.
Ông Đỗ Hoàng Toàn
15 tuổi, trúng số hai vé đặc biệt và hai vé an ủi
Nhưng rồi niềm vui ngắn chưa đến… một gang, sau khi nhận số tiền trúng số từ trên trời rơi xuống đó, cuộc đời ông Toàn rơi vào hàng loạt bi kịch. Đó là câu chuyện đã xảy ra cách đây gần 53 năm.
Đến giờ, khi đã ở tuổi xế chiều, ông Đỗ Hoàng Toàn (ngụ P.Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đôi lúc ước rằng giá như mình chưa từng trúng số và chưa từng trượt dài cuộc đời.
Ông Toàn sinh ra trong một gia đình nghèo có đến chín người con. Thuở đó cả nhà ông mưu sinh bằng một tiệm tạp hóa nhỏ bán sách báo, thuốc lá và vé số.
Khác hiện nay, vé số thời điểm trước năm 1975 chỉ xổ mỗi tuần một lần. Cha và các anh em của ông thường phụ gia đình bán rồi xin vài vé giữ trong người cầu may.
Tháng 9-1970, cậu bé Toàn lần đầu biết “mùi” trúng số độc đắc khi mới ở tuổi 15. Khi đó vé số mỗi tờ chỉ 30 đồng, ông Toàn trúng 3.000.000 đồng cho tấm vé đặc biệt mang số cuối 52. Ngoài ra ông còn trúng thêm hai vé an ủi mang số cuối 51 và 53. “Tiền giải an ủi lúc đó cũng cao nhưng lâu rồi nên tôi không nhớ cụ thể là bao nhiêu tiền”, ông nói.
Đến tháng 12 cùng năm, vé số lên giá 40 đồng/tờ, ông Toàn tiếp tục được thần may mắn gọi tên với tấm vé mang số cuối 40 trúng giải đặc biệt trị giá 4.000.000 đồng là số tiền rất lớn khi đó.
Chỉ trong vòng ba tháng, ông Toàn trở thành “đại gia nhí” với số tiền do… trời độ hơn 7.000.000 đồng. Theo những người lớn tuổi ở miền Nam, số tiền này thời điểm năm 1970 vô cùng lớn, có thể mua được biệt thự, xe hơi, sắm nhiều vàng lượng.
Được trời trao tay số tiền quá lớn khi còn nhỏ tuổi, ông đưa cha mẹ mua đất, cất căn nhà khá khang trang. Số tiền còn lại, ông giữ một phần trong người rồi dần dần tận hưởng cảm giác “người giàu” bằng các cuộc nhậu thâu đêm, tụ tập cá độ và đua xe, đến cuối cùng là chích ma túy.
Rất nhanh cục tiền trời độ lớn cỡ nào rồi cũng cạn. Để có tiền phê thuốc, ông cùng đám bạn đi trộm cướp rồi rơi vào lao lý. Trong một lần phá khóa vượt ngục và bỏ chạy, ông Toàn bị cảnh sát bắn làm mất cánh tay trái.
Cú trượt dài của cuộc đời nhiều tiền
Sau khi trúng số, ông Toàn lại mất tất cả, thậm chí cuộc sống còn bi thương hơn hồi chưa trúng. Ông Toàn đã bị tàn phế, gia đình chán ghét, vợ ly hôn rồi dẫn con đi mất, các “đệ tử” cũng xa lánh.
Để quên sự đời, ông tiếp tục sống đời nghiện ngập bằng cách đi ăn xin để có tiền mua chất kích thích và rượu bia. Năm 1986, ông nghiện nặng đến mức phải chích một ngày ba cữ.
Nghĩ đời mình coi như hết cứu nổi, song cũng trong năm đó khiến ông Toàn thức tỉnh khi chứng kiến mấy “bạn độp xì ke chung” lần lượt sốc thuốc rồi chết hết, có người cùng đường, còn bơm nước tương vào mạch máu để tự vẫn.
Đến viếng bạn, ông Toàn thấy chiếc quan tài lạnh lẽo nằm trơ trọi giữa nhà, không ai tới đưa tiễn, người nhà cũng chẳng tiếc thương.
“Tôi không muốn mình sẽ bị giống như vậy nên quyết tâm cai nghiện. Tôi nhốt mình trong phòng, cắn răng chịu đau đớn, xối nước lạnh lên người mỗi lần tới cơn thèm thuốc. Cỡ một, hai tháng sau thì cơn ghiền giảm từ từ”, ông Toàn nhớ lại.
Thoát được cái chết trắng, ông Toàn tìm việc mưu sinh như người bình thường như gánh nước thuê, bán vé số, phụ người quen cho thuê đồ đãi đám tiệc… Nhờ chịu khó và biết dành dụm, ông mua được chiếc xe ba bánh. Người quen sau đó cũng để lại hết nhiều bộ bàn ghế, chén dĩa, nồi niêu để ông Toàn kinh doanh, cho thuê trong đám tiệc.
Công việc này đã giúp ông Toàn nuôi sống bản thân và gia đình, dù chẳng dư dả song vẫn đủ ăn đủ mặc. “Nghề này tùy nhu cầu của người ta, có tuần cho thuê mấy đám cũng kiếm được vài ba triệu, có khi không có đồng nào”, ông nói.
Vợ chồng ông Toàn vui vầy bên nhau
Ăn chay trường, làm việc thiện
Khát khao một mái ấm, năm 1998 ông Toàn tham gia chương trình truyền hình “Tìm bạn bốn phương” và được ghép đôi với bà Lê Thanh Thúy, nhỏ hơn ông Toàn 18 tuổi, nhà ở quận 2 cũ (TP Thủ Đức bây giờ).
Vài tháng yêu và cảm thông khiếm khuyết của nhau, người đàn ông cụt một tay và người đàn bà sứt môi nên duyên vợ chồng. Hai đứa con một trai một gái lần lượt ra đời.
“Gia đình tui lúc đầu ngăn cấm, không cho lấy ổng nhưng sau đó cũng chấp nhận, tại vì thấy ổng đã tu tâm dưỡng tính, thương vợ con, biết lo làm kiếm tiền”, bà Thúy hạnh phúc nói về chồng.
Bên cạnh đó ông Toàn cũng nhận được sự tin tưởng, quý mến của xóm giềng. Nhiều năm qua ông ăn chay trường, lúc nào kinh doanh có dư thì xay nước mía miễn phí cho người tới chùa uống.
Để rèn luyện sức khỏe và tịnh tâm, ông thường xuyên ngồi thiền. “Hồi đó lúc mới dứt ma túy, tôi chơi thể thao cho khỏe, cũng để chứng minh rằng tôi đã hoàn toàn không chích hút gì nữa. Ban đầu chạy bộ rồi nâng độ khó lên như chỏng đầu, hít đất, đấm bao cát bằng đầu và một tay”, ông Toàn cho biết.
Trầm ngâm nhớ lại cái may mắn kéo theo loạt bi kịch ấy, ông Toàn nói khi đó còn trẻ, nhà nghèo nên khi bỗng giàu lên, ông không làm chủ được bản thân.
“Có khi tôi ước mình không trúng số để không phải nghiện rồi mất cả cánh tay. Nhưng tôi nghĩ có lẽ số mệnh mình là có của nhưng không giữ được. Nhà chín anh chị em với ba tôi ai cũng để dành vé số trong người nhưng không ai trúng, có một mình tôi trúng mà còn tới hai lần.
Tiền trúng số là lộc may nhưng cũng có thể là họa. Nếu sử dụng không tốt, trời sẽ lấy lại vì đó là tiền từ trên trời rơi xuống. Tiền đó của nhiều người đóng góp để đưa cho mình, bao nhiêu người thua thì mình mới thắng. Tôi biết có vài người trúng số xong một thời gian sau còn khổ hơn lúc chưa trúng, bán sạch hết”, ông Toàn trải lòng chân thành.
Chuyện đã qua hơn nửa thế kỷ, ông Toàn cũng thôi day dứt bởi ông biết tìm lối ra, biết tự cứu mình sau tai họa từ trúng số. Ông bảo giờ thi thoảng vẫn mua vé số cầu may, nhưng sau hai lần đó thì tới giờ chưa trúng lần nào nữa.
Trải qua biến cố, ông Toàn giờ đây sống đời bình yên bên vợ và hai con. Ông vui vẻ khoe với chúng tôi rằng sắp được làm sui, khi qua Tết đứa con trai 23 tuổi sẽ cưới vợ.
Một tay vẫn làm nhiều việc mưu sinh
Tuy mất một tay, ông Toàn vẫn có thể làm được nhiều việc, chẳng hạn nấu ăn, may mùng, may bạt để cho thuê rạp, rồi may quần áo, chạy xe giao đồ cho thuê, chở vợ đi làm cách nhà hơn 5km, thậm chí chạy xe tới Tây Ninh mỗi tháng hai lần thăm con trai lúc còn tham gia nghĩa vụ.
DIỆU QUÍ ( báo Tuổi Trẻ)