Bà Đá – ngôi chùa ngàn năm tuổi

Nằm ngay gần hồ Hoàn Kiếm, gần Nhà thờ Lớn, nhưng bước vào chùa Bà Đá (Linh Quang tự) những ồn ào, náo nhiệt của phố phường dường như ở phía ngoài cánh cổng, chỉ còn lại sự tĩnh lặng của một ngôi chùa cổ. Trong hương trầm và tiếng tụng kinh niệm Phật, Bà Đá ngụ ở đây đã một thiên niên kỷ.

 

Bức tượng Bà linh thiêng

“Chùa Linh Quang giữa Thăng Long/Đạo Mẫu ẩn hiện sắc không diệu huyền/Nền xưa ghi dấu báo tiên/Hồ Gươm rực rỡ cảnh chiền nguy nga”.

Bốn câu thơ trên được người xưa để lại nói về chùa Bà Đá. Đây là một ngôi chùa lâu đời với nhiều câu chuyện linh thiêng được người dân nơi đây truyền tụng.

Chùa Bà Đá đón tiếp hàng ngàn người những ngày lễ, tết đến cầu an, vãn cảnh.

Chùa Bà Đá đón tiếp hàng ngàn người những ngày lễ, tết đến cầu an, vãn cảnh.

Chùa Bà Đá còn hay được gọi là Linh Quang tự nằm tại số 3 phố Nhà Thờ, Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách khu vực hồ Hoàn Kiếm chỉ 100m. Nơi đây khi trước thuộc thôn Tiên Thị, phường Báo Thiên, tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên, kinh đô Thăng Long. Chùa Bà Đá là một trong bốn ngôi chùa Bà cổ kính bậc nhất Thủ đô cùng với chùa Bà Đanh, chùa Bà Nành và chùa Bà Ngô.

Nép mình ngay giữa trung tâm phố cổ Hà Nội; ngôi chùa cổ này là điểm đến của các tăng ni, phật tử và du khách gần xa tới tham quan và hành hương. Tuy nhiên, số phận của ngôi chùa qua “bãi bể nương dâu” cùng với những biến thiên lịch sử.

Theo các truyền thuyết được nhân dân lưu truyền có kể rằng, trong khoảng thời gian niên hiệu Hồng Đức (1470 – 1498) đời Vua Lê Thánh Tông, chùa chỉ còn là một ngôi am tranh. Khi ấy nhân dân đã đào được một pho tượng bằng đá hình dáng phụ nữ ở đây, dân chúng cho là Thánh Giáng, liền đưa lên thiết lập bàn thờ, xây chùa ngói để thờ phụng. Sau đó, pho tượng này bị mất.

Ba thế kỷ sau, đến cuối đời Lê Trịnh (1767 – 1782), khi người dân đào đất chung quanh vườn chùa để lấy đất đắp thành Thăng Long đã tìm thấy pho tượng đá. Người ta cho rằng đây là tượng của Phật bà nên rước vào thờ phụng trong chùa, từ đấy mới gọi là chùa Bà Đá. Khi việc tu tạo ngôi chùa hoàn thành, khách thập phương kéo đến lễ bái ngày càng đông đúc. Tháng 6 năm Bính Ngọ (1786), quân Tây Sơn tiến vào Thăng Long, trong cuộc binh đao, ngọn lửa vô tình đã làm cho chùa Bà Đá hóa tro tàn. Chùa bị cháy chỉ còn một nền đất không, cỏ mọc rêu phong. Bấy giờ quan trên bắt dân làm cỏ vườn hoang ấy để sửa sang lại cảnh điêu tàn. Dân làng lại làm nên một ngôi chùa toàn bằng tranh tre, gọi là tỏ lòng kính Phật để có chỗ lễ bái.

Năm Quý Sửu (1793), sư tổ Khoan Giai trụ trì chùa, dần dần dựng lên một ngôi chùa ba gian lợp ngói. Năm Tân Tỵ (1821), tổ Giác Vượng kế đăng, được thập phương công đức, bèn lập nên một ngôi chùa rộng lớn hơn, lại làm thêm mấy dãy hành lang và tăng phòng khách xá. Tiếp đấy là tổ Phổ Sĩ lên kế đăng… Từ đây trở đi, chùa Bà Đá hồi phục lại danh lam thắng tích như xưa. Chư tổ lại dạy được nhiều đệ tử nên do sơn môn này bổ đi các chùa ở Bắc kỳ từ đấy càng ngày càng thêm nhiều.

b627c43ae4770d295466

Kiến trúc độc đáo

Khi đi ngang qua phố Nhà Thờ, du khách phải để ý rất kỹ mới nhận ra cổng chùa nhỏ nằm ẩn mình sau tán cây bồ đề, lối vào hẹp chỉ đủ để 2 người tránh nhau. Trên cổng đề tên chùa được đắp nổi bằng quốc ngữ; hai bên là đôi câu đối chữ Hán. Sở dĩ cổng chùa nhỏ như vậy là do phần đất của chùa khi xưa đã bị quy hoạch. Bước qua cổng chùa, bạn sẽ cảm nhận được mùi hương trầm đã phảng phất trong không gian.

Chùa ngày nay có quy mô tương đối lớn với năm gian tiền đường, bốn gian thượng điện và khu nhà thờ tổ, thờ mẫu nằm gọn trong một khuôn viên khép kín. Chùa không có tam quan như các chùa khác, lối vào là một ngõ hẹp sâu khoảng 9 mét. Mặt chùa hướng về phía Bắc. Kiến trúc độc đáo nhất của ngôi chùa này chính là mái hiên thấp được đỡ bằng bốn chiếc cột đá có kích thước khiêm nhường, tương xứng. Trên cột có các họa tiết chạm khắc rất tinh xảo và mềm mại, miêu tả cảnh bốn mùa và tứ quý.

Trong chùa có nhiều tượng gỗ sơn son thếp vàng, trên cao có tượng Tam thế, dưới là tượng Di Đà tam tôn. Sau đó là tượng Đức Phật Thích Ca niêm hoa, có tượng hai ngài bồ tát Văn Thù và Phổ Hiền ở hai bên. Hàng dưới là Tòa Cửu Long, các tượng đều có kích thước lớn hơn so với chùa khác, những pho tượng ở đây mang dáng vẻ riêng rất đẹp và cổ kính. Đặc biệt, nhà Bái đường không có tượng Hộ Pháp như ở các chùa khác, nhưng có nhiều bia hậu gắn ở tường hai bên.

Bên cạnh đó, bộ sưu tập di vật văn hóa của chùa khá phong phú, đa dạng về chất liệu và loại hình. Trong đó tiêu biểu là tám tấm bia đá niên hiệu thời Nguyễn, trong đó một bia niên hiệu Tự Đức 3 (1850) ghi sự tích và việc trùng tu, sửa chữa các công trình kiến trúc của chùa. Hai quả chuông đồng đúc năm Tự Đức 26 (1873) và năm Tự Đức 34 (1881); một khánh đồng niên hiệu Thiệu Trị 2 (1842). Hai tượng tròn gồm 29 pho, trong đó 26 pho tượng Phật, tượng Mẫu, 2 pho tượng Tổ và một pho tượng “Bà Đá”, tạc bằng gỗ giống như tượng Thánh Mẫu.

Những pho tượng của chùa được tạo tác công phu và sơn son thếp vàng lộng lẫy, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 19, 20. Chùa còn lưu giữ 19 câu đối sơn son thếp vàng, 10 tấm nghi môn chạm hình rồng, hoa lá và hai bức cuốn thư chép thơ, hai bức cuốn thư chạm nổi hình “cúc, lão”, một bức phù điêu chạm nổi 14 hình tượng nhân cách cùng nhiều đồ thờ tự khác…

Chùa Bà Đá nguyên là chốn tổ của Thiền Phái Lâm Tế một trong hai Thiền Phái lớn của Phật giáo miền Bắc Việt Nam. Chùa cũng gắn với nhiều chứng tích của hai cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân Hà Nội. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chùa Bà Đá là cơ sở đi lại của cán bộ Việt Minh. Sau ngày thành lập Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam (5/1958), chùa Bà Đá là trụ sở Ban Liên lạc Phật giáo Hà Nội.

Sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập (11/1981), chùa trở thành Trụ sở Thành hội; Phật giáo Hà Nội. Từ năm 1992 tại chùa Bà Đá khai giảng lớp Trung cấp Phật học Hà Nội khóa đầu tiên (1989 – 1992) và hiện nay là địa điểm của Trường Trung cấp Phật học Hà Nội.

Có thể nói, có lịch sử tạo dựng khá đặc biệt so với những ngôi chùa khác trong kinh thành Thăng Long và nằm trong tuyến tham quan du lịch các di tích lịch sử văn hóa quanh hồ Gươm: Đền Ngọc Sơn, khu tưởng niệm vua Lê, chùa Bà Đá, chùa Lý Quốc Sư… Chùa Bà Đá được UBND thành phố Hà Nội xếp hạng Di tích Kiến trúc nghệ thuật ngày 23/5/2005.

Chùa Bà Đá là địa điểm hành hương tâm linh của rất nhiều du khách gần xa khi về với Thủ đô. Đặc biệt trong những dịp đặc biệt như lễ, Tết hay các ngày hội Phật giáo. Chùa đón tiếp hàng ngàn người dân tới chiêm ngưỡng kiến trúc cổ xưa, vãn cảnh và lễ bái các vị chư Phật cùng lòng hướng thiện tới cầu bình an, sức khỏe.

Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh có đến thăm chùa Bà Đá và nói chuyện với các thượng tọa, tăng ni, phật tử. Trong cuộc gặp, Bác nói: “Việc Phật không xa rời việc thế gian, phải tham gia vào các công việc cách mạng, cứu đói, cứu dốt”…

Còn đó những ngôi chùa “Bà” ở Hà Nội

Chùa Bà Đá, Bà Ngô, Bà Tấm… mỗi chùa có một tích riêng và ít nhiều gắn với một người phụ nữ hoặc một sự kiện đáng nhớ trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Chùa Bà Ngô còn gọi là chùa Ngọc Hồ, nằm ở số 128 phố Nguyễn Khuyến, phường Văn Miếu. Tương truyền, vào đời nhà Lê, có một người con gái đẹp lấy chồng là một nhà buôn người Hoa giàu có, bà đã bỏ tiền ra xây dựng lại ngôi chùa này to đẹp hơn chùa cũ, do đó mới có tên Bà Ngô (Ngô Khách). Tên Ngọc Hồ thì dựa theo phép phong thủy bởi người ta cho rằng thế đất của chùa trông giống như một cái hồ rượu.

Chùa được sửa chữa và làm mới qua nhiều năm như 1863, 1864, 1865… Và vào năm Ất Hợi (đời Vua Bảo Đại, tức 1934), chùa được sửa chữa lớn nên đã có câu đối (tạm dịch): “Không nhớ tháng Bà Ngô sửa chữa/Chỉ biết năm Bảo Đại khánh thành”.

Đây cũng là ngôi chùa gắn với huyền tích Vua Lê Thánh Tông thăm chùa gặp tiên. Chuyện kể rằng, Vua Lê Thánh Tông đến chùa gặp một thiếu nữ xinh tươi cầm một cành mẫu đơn ngâm mấy câu như sau: “Bà Ngô Phong cảnh xinh thay/Đố ai cắt mối sầu này cho xong/Bao giờ về tới ngự cung/Thì ta sẽ dải tấm lòng cho hay”.

Vua bèn gặp hỏi chuyện và muốn cùng nàng xướng họa. Nàng nhường vua làm trước, lấy đề bằng 2 câu thơ nàng vừa ngâm. Vua làm bài thơ Đường luật 8 câu, trong đó có 2 câu: “Chày kình mấy khắc tan niềm tục/Hồn bướm năm canh lẩn sự đời”. Nàng xin phép sửa lại là: “Gió xuân đưa kệ tan niềm tục/Hồn bướm mơ tiên lẩn sự đời”.

Vua rất phục, mời nàng lên kiệu về cung, nhưng đến cửa Đại Hưng thì nàng biến mất. Vua cho là tiên giáng trần, dựng lầu Vọng Tiên ở đây để tưởng nhớ…

Còn chùa Bà Già nằm trên làng Phú Gia, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Sở dĩ chùa mang tên Bà Già bởi trên mảnh đất này, xưa có ngôi chùa An Dưỡng tọa lạc. Do bị hư hại nặng, có hai chị em gái chuyên nghề buôn muối, đã phát tâm bồ đề bỏ tiền ra xây dựng, tu sửa lại chùa, tạc tượng Phật, dựng gác chuông đồng. Khi hai bà mất đi, để tỏ lòng biết ơn, dân trong vùng đã đúc tượng hai bà và rước vào chùa thờ, gọi là tượng hậu Phật, từ đó chùa được gọi là chùa Bà Già.

Chùa hiện tọa trong một khuôn viên không rộng, cây cối xum xuê, không khí trong lành, yên tĩnh. Sáng sáng tiếng chim hót trên cây hồng xiêm trước sân làm cho ngôi chùa càng thêm gần gũi.

Đặc sắc nhất tại chùa chính là hai pho tượng Bà Già. Pho tượng bà chị được đúc to hơn, trong tư thế ngồi một chân gập, một chân chống, tay phải úp lên đầu gối, tay trái để vào lòng. Ngồi bên cạnh là bà em, ngồi xếp bằng, cả hai tay đều để trên lòng, trong tư thế một người mẹ luôn cầu mong cho mọi người an khang, thịnh vượng, sẵn mở lòng nhân ái. Đặc biệt là khuôn mặt của hai bà tròn trịa, hiền lành, phúc hậu, nhưng không giấu nỗi suy tư. Từ thời Lê, chùa Bà Già đã có qui mô bề thế và nổi tiếng kinh thành Thăng Long xưa. Nay trở là điểm văn hóa tâm linh của người dân Thủ đô.

Uyên Na