Ai hay hát, ai hay nghe hát
Ngàn muôn năm âu cũng thế ni. Sự thật này không phải là sự thật của bây giờ, nó là sự thật của quá khứ, và nó sẽ là sự thật của tương lai.
Ai hay hát mà ai hay nghe hát. Người hát tức là người diễn bày ra, tức là người nói. Diễn nói một điều có trong trái tim, một điều mình đã có kinh nghiệm. Có những người có kinh nghiệm, có tuệ giác, nhưng họ biểu lộ tuệ giác của họ một cách khó khăn. Người có khả năng biểu lộ tuệ giác, biết truyền thông, có thể chia sẻ được tuệ giác của mình bằng thứ ngôn ngữ mà người khác có thể tiếp nhận được, có thể thấy hạnh phúc khi nghe, thì người đó gọi là “người hay hát”. Dù anh có chân lý, dù anh có kinh nghiệm, dù anh có kho tàng nhưng nếu anh không có được ngôn ngữ thích hợp, khế cơ thì anh không thể nào chia sẻ cái kho tàng, cái tuệ giác, cái hạnh phúc của anh cho người khác, và anh không thể được gọi là người hay hát. Người hay hát tiếng Anh gọi là A good singer. Hát được bằng một thứ ngôn ngữ có thể thiết lập được cảm thông và khiến cho người kia có thể tiếp nhận được, thì gọi là người hay hát. Đức Thế Tôn là một người hay hát, tại vì giáo lý của đức Thế Tôn được gọi là thiện thuyết. Theo danh từ đạo Bụt thì “hay hát” gọi là “thiện thuyết”.
Ai hay hát mà ai hay nghe hát. Mình nói giỏi rồi, mình nói khéo rồi, mình thiện thuyết rồi, nhưng người kia nếu có vô số thành kiến ở trong đầu, người kia không có định tâm, không có sự thành khẩn, thì người kia cũng không tiếp nhận được, và người kia không phải là “người hay nghe hát”, không phải là a good listener.
Ở đây chúng ta phải tự hỏi chúng ta có phải là người hay hát hay không? Mỗi chúng ta có phải là người hay hát hay không? Và có phải là người hay nghe hát hay không? Mình có khả năng nghe không? Có khả năng tiếp nhận không? Nhiều khi mình may mắn có một ông thầy giỏi, có tuệ giác, có tu học. Mình may mắn có một sư chị có đức hạnh, có thương yêu, có tuệ giác. Mình may mắn có một sư anh giỏi, có tuệ giác, có thương yêu, những người đó có thể có khả năng hay hát, có khả năng biểu lộ được tuệ giác, thương yêu của họ. Nhưng mình có khả năng tiếp nhận hay không? Mình có phải là người hay nghe hát không? Nếu không thì mình không tiếp nhận được và mình nói rằng thầy mình không thương mình, anh mình không hiểu mình, chị mình ghét mình! Ở đây người ta chỉ đầu tư vào những người trẻ thôi, còn mình già rồi, ai thèm đầu tư vào mình. Mình không có khả năng có hạnh phúc là tại vì mình không biết tiếp nhận.
Mỗi khi ngồi xuống, chúng ta phải ngồi như thế nào để cho chánh niệm có mặt, để chúng ta thật sự ngồi xuống. Khi ngồi xuống với chánh niệm đó thì tự nhiên ta an trú được ở nơi ta đang ngồi. Và như vậy ta thực tập được cái mà người ta gọi là an tọa. An tọa nó chỉ có nghĩa là ngồi yên thôi. Ngồi yên là pháp môn mà tất cả các sư cô, sư chú đều phải học. Không bồn chồn, không muốn chạy về tương lai, không muốn bỏ đi chỗ khác. Nếu chúng ta thấy trong lòng bồn chồn, không có khả năng an trú trong hiện tại, không có hạnh phúc trong hiện tại, nếu chúng ta thấy ở trong ta có một lực lượng, thúc đẩy chúng ta chạy trong thời gian và trong không gian, thì chúng ta không có khả năng an tọa.
An tọa là một thực tập lớn. Khi ngồi thiền, chúng ta an tọa. Khi ngồi ăn cơm chúng ta an tọa. Khi ngồi chơi ngoài bãi cỏ, chúng ta cũng an tọa. Ngồi mà tâm của ta an. Tâm an là điều kiện của hạnh phúc.
Muốn an thì phải đem thân tâm về một mối, và trú ở trong giây phút hiện tại.
Khi an tọa được rồi thì chúng ta mới bắt đầu tiếp xúc được, và thấy được những mầu nhiệm có mặt trong giây phút hiện tại. Tại vì trong niệm có mang theo năng lượng gọi là định. Chữ niệm ở trong đạo Bụt, trước hết có nghĩa là có mặt. Có mặt bây giờ và ở đây. Mình đang phiêu lưu trong thế giới của tư duy, của ước mơ, của dự án, của hận thù, của tham đắm. Có một tiếng chuông thỉnh lên là mình tỉnh mộng, trở về hợp nhất thân tâm, và có mặt.
Có mặt để làm gì? Có mặt để có thể tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống trong giây phút hiện tại.
Thích Nhất Hạnh