8 câu chuyện lay động cộng đồng mạng nhất trên Tuổi Trẻ Online năm 2022
Chỉ còn ít ngày nữa là sắp bước sang năm mới 2023. Cùng Tuổi Trẻ Online nhìn lại những câu chuyện cảm động và tấm gương lay động cộng đồng mạng năm 2022.
Dân mạng rưng rưng vẽ tranh tiễn biệt 3 chiến sĩ công an cứu hỏa. Tác giả bức tranh trên là bạn Phạm Cao Thái Bảo
Giữa “biển” thông tin tràn ngập trên mạng, lẫn với thông tin xấu, độc, những câu chuyện cảm động được Tuổi Trẻ Online đăng tải trong năm 2022 đã tạo ra hiệu ứng tốt đẹp, lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
1. Chàng thợ sửa máy lạnh lao vào đám cháy cứu nữ sinh
Trưa 12-1, một vụ hỏa hoạn xảy ra tại ngôi nhà 3 tầng (ngõ 51 Lương Khánh Thiện, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Trong nhà, em V.H.Y. (học sinh, sinh năm 2007) bị mắc kẹt lại.
Nghe tiếng kêu cứu, anh Trung Văn Nam (ở Nông Cống, Thanh Hóa) và anh Dương Ngọc Vũ đang sửa máy lạnh gần đó đã trèo lên mái nhà tìm cách giải cứu em Y.. Sau đó, Nam là người đã lao vào ngôi nhà đang cháy cứu thành công em Y..
Việc làm của 2 người đã nhận được nhiều lời khen, tán thưởng của dư luận về hành động đẹp, đầy lòng dũng cảm.
Nói về động lực lao vào cứu người trong lúc đám cháy đang bùng lên dữ dội, anh Nam chia sẻ, khi nghe tiếng kêu cứu, anh chỉ có suy nghĩ duy nhất là làm được gì thời điểm đó phải làm hết sức, chứ không thể đứng yên nhìn.
Ngày 13-1, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư khen anh Trung Văn Nam – người dũng cảm lao vào đám cháy cứu nữ sinh lớp 9 trưa 12-1.
2. Cựu lính hải quân nhảy từ cầu cao 30m xuống sông cứu người
Những ngày tháng 4, mạng xã hội lan truyền đoạn video ghi lại hình ảnh một nam thanh niên nhảy từ cây cầu cao 30m xuống sông cứu nữ sinh lớp 8 và đưa bé vào bờ an toàn, thu hút hàng nghìn lượt xem, chia sẻ của cư dân mạng.
Nhân vật chính trong video là anh Nguyễn Đức Chính (28 tuổi, ở khu 8, thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định).
Sau khi đưa được bé gái vào bờ, anh Chính về nhà ngay mà không hề hay biết hành động dũng cảm của mình được người dân chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người gọi anh là “người hùng”.
Hành động dũng cảm của anh Chính đã nhận về “cơn mưa” lời khen tặng từ cư dân mạng. Được biết, anh Chính từng là lính hải quân đã xuất ngũ, hiện đang làm việc ở một công ty tại quê nhà.
Ngày 14-4, thừa ủy quyền của Thủ tướng, ông Phạm Đình Nghị – chủ tịch UBND tỉnh Nam Định – đã trao bằng khen của Thủ tướng cho cựu lính hải quân Nguyễn Đức Chính khi dũng cảm cứu người bị nạn trên sông Ninh Cơ, đoạn qua huyện Hải Hậu.
Bên cạnh việc trao bằng khen của Thủ tướng, chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cũng trao bằng khen của tỉnh nhằm biểu dương hành động dũng cảm, nghĩa cử cao đẹp của anh Chính.
3. Con gái khoác áo cử nhân cho người cha thợ hồ ngày tốt nghiệp
Cũng vào dịp tháng 4, trên mạng “rần rần” chia sẻ đoạn video về cô con gái khoác áo cử nhân cho người cha thợ hồ ngày tốt nghiệp.
Lê Thị Kim Thy (sinh năm 2000, quê ở Vĩnh Long) – tân cử nhân trong đoạn video tốt nghiệp ngành kinh tế học thuộc khoa kinh tế, khóa 44, Trường đại học Cần Thơ.
Trong ngày lễ tốt nghiệp, gia đình Thy từ quê đến chúc mừng và chụp ảnh lưu niệm. Cô ôm chầm sau khi thấy cha, cởi mũ và bộ lễ phục cử nhân rồi khoác cho ông. Người cha hơi lúng túng, vội vàng lấy tay gạt đi giọt nước mắt khiến mọi người xúc động.
“Cha đã vất vả hy sinh, nên hôm đó tôi quyết định dành thành công của mình trao lại cho cha, vì cha xứng đáng nhận được điều đó. Lúc đó, cha cười và nói: ‘Cha không đi học mà được mặc áo đại học’. Tôi biết trong lòng cha rất vui”, Thy chia sẻ với Tuổi Trẻ Online.
Ông Lê Minh Dương (sinh năm 1973, cha của Thy) cho biết, khi đoạn clip nổi bật trên mạng xã hội, con gái cũng gọi điện về khoe với gia đình.
“Tôi vui lắm nhưng hơi ngại, không ngờ được nhiều người biết đến như vậy. Nhìn con trưởng thành là niềm hạnh phúc của cha mẹ. Thy rất ấm áp. Hành động của con khiến tôi bất ngờ”, ông nói.
4. Cứu ba người đi xe máy mất phanh khi đổ đèo Tam Đảo
Ngày 30-5, chủ tịch UBND huyện Tam Đảo đã ký quyết định khen thưởng đối với anh Đinh Văn Chiến (30 tuổi, trú ở xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) vì kịp thời cứu 3 người đi trên chiếc xe máy bị mất phanh khi đổ đèo Tam Đảo.
Trước đó, vào chiều 29-5, khi đang chạy xe trên đèo Tam Đảo đi sửa xe máy lưu động, anh Chiến thấy chiếc xe máy do một người đàn ông cầm lái, phía sau chở một phụ nữ và một cháu nhỏ có dấu hiệu bị mất phanh dù đã cố đâm vào đuôi xe khách 29 chỗ mà vẫn lao đi vun vút.
Sau đó, anh mang đồ nghề ra thay hai má phanh cho chủ nhân chiếc xe để họ lên đường.
Đoạn video về hành động đẹp của anh Chiến đã lan truyền mạnh mẽ khiến không ít người dân khâm phục về sự nhanh trí, dũng cảm của anh.
5. Di ảnh người lính cứu hỏa bên chú cún được cứu lay động cộng đồng mạng
Từ đêm 1-8, trên mạng xã hội tràn ngập dòng thông tin bày tỏ niềm tiếc thương và tri ân ba cán bộ, chiến sĩ phòng cháy chữa cháy lao vào biển lửa để dập tắt đám cháy tại quán karaoke trên đường Quan Hoa (Hà Nội).
Các anh đã anh dũng nằm xuống, mãi mãi không trở về với gia đình, đồng đội, trong đó có trung úy Đỗ Đức Việt.
Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã thể hiện tinh thần vì nước quên thân, vì dân quên mình, tô thắm màu cờ Tổ quốc, tô thắm truyền thống anh hùng, vẻ vang của công an thủ đô.
Đêm 1-8, trên Facebook cá nhân của liệt sĩ Việt, hàng ngàn người dân và các bạn trẻ đã bày tỏ niềm tiếc thương và tri ân với trái tim của người lính dũng cảm.
Không chỉ cứu giúp mọi người, tháng 2-2021 hình ảnh người chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy với gương mặt, đôi tay lấm lem khói đen nói lời yêu thương chú cún đang mang bầu – “nhân vật” được trung úy Việt và đồng đội “giải cứu” khỏi đám cháy – cũng khiến không ít người rơi lệ cảm phục.
Ngày 2-8, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký quyết định của Thủ tướng Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công cho 3 liệt sĩ cán bộ, chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy hy sinh chiều ngày 1-8 khi chữa cháy quán karaoke trên đường Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội).
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất với 3 cán bộ, chiến sĩ.
6. Nữ sinh 29,25 điểm đang là cô công nhân 18 tuổi, lương 4,2 triệu đồng
Trước thềm năm học mới, phóng viên tìm gặp được tân sinh viên Nguyễn Thị Thúy (18 tuổi, Trường đại học Sư phạm Hà Nội) tại một khu công nghiệp ở Hà Nam.
Đôi mắt trũng sâu vì thiếu ngủ sau những ngày liên tục tăng ca làm đêm, cô gái xứ Thanh trải lòng về đời công nhân bất đắc dĩ cho hành trình sinh viên phía trước.
Sau khi bài viết được đăng tải, rất nhiều bạn đọc đã liên hệ đến báo Tuổi Trẻ để được trợ sức cho chặng đường học sắp tới của Thúy. Cùng với đó, Thúy cũng nhận được suất học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ.
“Cảm ơn báo Tuổi Trẻ và các nhà hảo tâm rất nhiều vì đã thay mặt nhân dân mở rộng vòng tay yêu thương, quan tâm sâu sắc và tiếp sức cho các em sinh viên nghèo thực hiện ước mơ vào được ngôi trường đại học.
Những câu chuyện đầy tình người, tạo rung cảm sâu sắc, tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng và xã hội” – bạn đọc Trung Võ bình luận sau khi đọc bài viết.
7. Đường đời chông chênh của cô bé nghèo xa cha mẹ
Những ngày cuối tháng 10, sau hơn một tháng nhập học, cô sinh viên Nguyễn Vy Diễm Quỳnh tìm đến các hàng quán ven Trường đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (Đà Nẵng) kiếm việc làm thêm.
Đi làm được trả mấy trăm ngàn đồng là phải quần quật từ sáng tới tối, mà đâu phải ngày nào cũng được vậy. Quỳnh nói thèm được học, ra trường và đi làm, hướng về một tương lai tốt đẹp hơn.
Cô bé ra đời và sống dựa vào bà ngoại, ngần ấy năm bền bỉ với hành trình đến trường để bước tới hôm nay vừa trở thành tân sinh viên.
8. 10 gương mặt trẻ làm rạng danh hai tiếng Việt Nam
Họ là 10 người trẻ xuất sắc nhất trên các lĩnh vực học tập, khoa học sáng tạo, lao động sản xuất, quốc phòng, an ninh trật tự, thể dục thể thao, văn hóa nghệ thuật vừa được xướng tên Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2021.