4.500 khách Ấn Độ sang Việt Nam ăn đồ chay: Vì sao người dân không ăn thịt?
Theo đại diện các nhà hàng, khách sạn tại Việt Nam, để tiếp đón đoàn 4.500 khách Ấn Độ sang lần này họ đã chuẩn bị thực đơn phong phú với các món Ấn Độ truyền thống, chay và thuần chay.
Việc 4.500 khách Ấn Độ sang Việt Nam du lịch từ ngày 28-8 đến 5-9 nhận được sự chú ý của cộng đồng.
Bên cạnh công tác tổ chức, tiếp đón được chuẩn bị kỹ lưỡng, câu chuyện ẩm thực dành cho các vị khách nước ngoài cũng được quan tâm.
Trước đó, chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Đinh Xuân Phương, chủ nhà hàng Tràng An 5 (Ninh Bình) cho biết, đoàn khách sẽ ăn 6 món chính trong bữa ăn. Đó là các món nấu theo kiểu thuần chay Ấn Độ.
Để nấu được những món chay này, phía công ty tổ chức du lịch đưa đầu bếp, bếp nướng và đồ phục vụ tới nhà hàng để nấu ăn. Có 23 nguyên liệu được chuẩn bị trước để nấu ra các món chay thuần Ấn Độ.
Được biết, khoảng 90% nguyên liệu được đưa từ Ấn Độ sang. Với khả năng phục vụ hàng trăm người, các món ăn chay sẽ phục vụ theo kiểu buffet (ăn tự chọn).
Tương tự, đại diện các khách sạn 4-5 sao ở Hà Nội như InterContinental Hanoi Landmark72, Meliá Hanoi, Movenpick Living West Hanoi, Pan Pacific Hà Nội, Novotel Hanoi Thai Ha nơi đoàn khách tới lưu trú, tiết lộ đã chuẩn bị thực đơn phong phú với nhiều món Ấn Độ truyền thống chay và thuần chay theo phong cách ẩm thực từ nhiều vùng miền của quốc gia này. Một số khách sạn còn thuê riêng đầu bếp chuyên về ẩm thực Ấn Độ để đảm bảo công tác phục vụ chu đáo.
Trên thực tế, văn hóa ăn chay của người Ấn Độ có lịch sử từ lâu đời. Đây cũng là đất nước có tỷ lệ người ăn chay cao nhất thế giới.
Vậy lý do gì khiến người Ấn Độ lại ăn chay nhiều như vậy?
Theo đánh giá từ các chuyên gia ẩm thực, Ấn Độ là một trong những nền ẩm thực thân thiện với người ăn chay nhất trên thế giới. Nếu du khách là người ăn chay hoặc thuần chay, du lịch Ấn Độ là lựa chọn lý tưởng với hầu hết các bữa ăn.
Một trong những lý do quan trọng khiến người dân nước này chọn ăn chay liên quan tới văn hóa và tôn giáo.
Tôn giáo lớn nhất của nước này là Ấn Độ giáo. Ngoài ra họ cũng có những tôn giáo khác với nhiều quan điểm riêng biệt về chuyện ăn thịt. Tuy nhiên, hầu hết người theo đạo Hindu đều không ăn thịt bò bởi nó được coi là loài vật linh thiêng.
Lý do quan trọng nhất khiến người theo đạo Hindu ăn chay ở Ấn Độ là, các tín đồ tin rằng ăn thịt “sẽ không trong sạch”. Với họ, mọi dạng sống trên trái đất đều thiêng liêng, không nên bị làm hại hoặc giết hại theo cách không cần thiết. Những người ăn thịt có thể ăn một số loại cá, trứng, mật ong vì chúng là sản phẩm của những loài không bị giết để lấy thịt.
Ấn Độ giáo, Phật giáo đều khuyến khích chế độ ăn chay như một phần trong quá trình thực hành tâm linh của mình. Bởi vậy, đa phần người dân không ăn thịt (hoặc ăn rất ít) mà chú trọng rau, đậu, gạo trong thành phần bữa ăn. Tuy nhiên cũng có người theo Ấn Độ giáo không ăn chay vì lý do văn hóa.
Ngoài ra, việc ăn chay còn liên quan tới vị trí địa lý. Với điều kiện khí hậu từ nhiệt đới tới ôn đới, Ấn Độ là nơi có sản lượng rau quả phong phú, được trồng ở hầu hết các tiểu bang. Đây cũng là một trong những thực phẩm chính trong ẩm thực nước này.
Một số món chay phổ biến ở Ấn Độ có thể kể tới cà ri chay (nấu từ nhiều thực phẩm, rau củ khác nhau kết hợp với bột gia vị); cơm chay Pulao (món ăn chủ yếu dùng trong lễ cưới, được chế biến từ gạo Basmati với nấm hương, nghệ tây, rau củ và gia vị); món Samosas (loại bánh đặc sản thường dùng để khai vị bữa ăn); các loại salad chay gồm rau củ quả trộn với đậu gà…
Huy Hoàng/Dân Trí