Cứ tưởng rằng Hòa thượng là một vị Đại dịch giả, dịch những bộ kinh Đại thừa lớn, như Hoa Nghiêm, Bảo Tích, Bát nhã, Pháp Hoa,… thì Ngài phải dạy cho chúng tôi những nền triết lý uyên thâm vời vợi của lý duyên khởi trùng trùng Hoa Nghiêm, tánh Không Bát Nhã, Bồ tát hạnh Bảo Tích, ngộ Phật tri kiến Pháp Hoa…hay những tư tưởng siêu việt Tối thượng thừa. Nhưng không, Ngài chỉ ân cần khuyên nhủ chúng tôi một việc hết sức bình thường, đó là Tụng Kinh.
Cho đến bây giờ, hơn mấy chục năm, chúng tôi còn nhớ rõ lời ngài dạy: “Tụng Kinh là để tăng trưởng trí tuệ. Đạo Phật là đạo trí tuệ. Tụng kinh là lặp lại để mỗi ngày thấm sâu vào tâm trí mình, để mình mỗi ngày một sáng ra. Chúng ta từ lâu bị nghiêp lực lôi kéo, vô minh sâu dày che mờ bản tâm vốn sáng suốt nên luôn chịu trầm luân sanh tử. Nay nhờ lời Phật dạy, biết được đường đi, biết cởi mở những chấp nhặt sai lầm, làm cho tâm tánh mỗi ngày một tỏ rõ, nhận định được đúng đường không lầm lạc. Do đó, nhờ tụng kinh mà trí tuệ được tăng trưởng…”.
Ngài còn nhắc nhở tầm quan trọng của Kinh Phật qua bài kệ:
“Pháp Phật rất vi diệu
Không phải dễ gặp được
Nếu gặp phải thọ trì
Mới hiểu lời Phật dạy”
Như vậy phải tụng kinh gì?
Hòa thượng dạy, kinh nào cũng tụng được cả, miễn sao đó đúng là kinh Phật thuyết, và nội dung được xác tín dựa trên ba pháp ấn: Vô thường, Vô ngã và Niết bàn; cũng như 6 thứ thành tựu của mỗi kinh. Đó là: 1- Tín thành tựu (Như vầy) 2- Văn thành tựu (Tôi nghe tức là A Nan nghe từ Phật) 3- Thời thành tựu (một thuở nọ) 4- Chủ thành tựu (Phật) 5- Xứ thành tựu (tại nước…) 6- Chúng thành tựu (cùng các Tỳ kheo…).
Tuy nhiên, 5 bộ kinh Nikàya (Pàli) là Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, Tăng chi Bộ Kinh, Tương ưng Bộ Kinh và Tiểu Bộ Kinh, tương đương 4 bộ A Hàm (Hán) là Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tăng Nhất A Hàm, Tạp A Hàm và Kinh Bản Duyên, thì các Phật tử Bắc tông thường đọc nghiên cứu lời Phật dạy, ít có tụng. Những kinh được tụng thông thường là những bản kinh thuộc Bắc truyền Phật giáo (Đại thừa phát triển), và dĩ nhiên đều là chữ Hán, mà Hòa thuợng đã phiên dịch ra chữ Việt.
Tụng Kinh như thế nào?
Tụng kinh cũng giống như cách niệm Phật, cần tụng rõ ràng từng chữ, không nhanh không chậm. Tụng nhanh và chậm, tâm khó nhiếp theo, khí lực mệt, phát sinh phiền não. Hơn nữa, thời gian tụng cũng vừa sức, đừng nên ráng tụng cho xong. Chẳng hạn, vào những dịp Hạ, đạo tràng Vạn Đức tụng kinh Pháp Hoa, những phẩm dài như Phương Tiện, Thí Dụ, Hòa thượng bảo nên sáng tụng nửa phẩm, chiều tụng nửa phẩm.
Hòa thượng còn khuyên: “Chúng ta ngày nay không gặp Phật ra đời nhưng gặp được các bậc minh sư cũng quý rồi, cộng thêm có kinh sách chỉ đường; muốn no thì phải ăn, muốn giải nghiệp thì phải thật tâm tu hành, đừng chấp lỗi người khác. Phải tự soi xét lại mình, coi căn lành có lớn chưa, nguyện lực có tha thiết chưa, có cố định chưa? Tu hành quan trọng là không bị dính mắc, có như vậy mới thoát nghiệp chướng nhiều đời. Hình thức không thể bỏ (sự tướng không thể bỏ, chừng nào kiến tánh tính sau), thời khóa đọc tụng kinh không thể bỏ qua).
Vì sao?
– Vì mỗi khi tụng kinh, làm mình nhớ lại những lời dạy của Phật, thì đó chính là niệm Pháp (như Kinh A Di Đà nói niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng)
– Khoảng thời gian tụng kinh, thì thân ngồi ngay ngắn, miệng lưỡi đọc lời, mắt dõi theo chữ, tai nghe tiếng tụng, mũi thở bình thường, ý không nghĩ bậy; nói chung 6 căn đều được thu nhiếp, khiến những niệm phiền não xấu ác… bị đè phục, yếu dần không thể khởi dậy, cho đến lâu ngày có thể tiêu mất (đoạn phiền não).
– Nhờ phiền não bị đè phục, nên nghiệp chướng cũng bớt dần, và thiện căn công đức tự nhiên khởi dậy, như hai dĩa cân, bên này nặng thì bên kia nhẹ. Cho nên, khi đọc tụng kinh, phước báo do tôn kính lời dạy của Phật (Tổ), người tụng kinh tiêu nghiệp và trừ nghiệp chướng từ từ là nghĩa đó vậy.
Tóm lại, cho đến nay, trải qua nhiều năm tu tập theo Hòa thượng chỉ dạy chúng tôi mới ngộ ra một điều, việc tụng Kinh tưởng chừng bình thường đơn giản nhất lại là căn bản quan trọng, khó thực hành một cách nghiêm túc nhất. Phật tử tại gia mới quy y thì siêng năng ở nhà tụng kinh, hoặc đến chùa ngày nào cũng gặp, một thời gian sau do bận bịu nhân duyên thế tục, chểnh mảng dần, có khi cả tháng cả năm mới thấy đến chùa tụng kinh. Bản thân chúng tôi lúc còn làm điệu, rồi thọ Sa di mỗi ngày thời khóa công phu tụng kinh sớm tối không bao giờ bỏ, đến khi thọ giới Tỳ kheo, bận việc học hành…, cho đến ngày nay, những huynh đệ chúng tôi có người trụ trì, người đi giảng dạy, hoằng pháp đủ thứ chức vụ… Phật sự đa đoan… thì việc tụng kinh gần như gián đoạn. Thế mới hiểu và thấm thía những lời Hòa thượng đã dạy năm xưa. Hòa thượng đã rút ra phần tinh túy, chắt lọc lấy từ trong thiên kinh vạn quyển mà dạy bảo cho mọi người, chứ đừng nghĩ việc ấy là tầm thường, dành cho người sơ cơ đâu nhé!