3 điều cần biết để phòng ngộ độc botulinum

Ngộ độc botulinum không phổ biến nhưng nghiêm trọng vì độc tố tấn công vào các dây thần kinh của cơ thể gây khó thở, tê liệt cơ hô hấp dẫn đến tử vong.

Điều kiện nào phát sinh độc tố botulinum?

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), điều kiện để bào tử vi khuẩn Clostridium botulinum phát triển và sinh độc tố là môi trường ít hoặc không có oxy, lượng axit thấp, đường, muối thấp, ở một nhiệt độ, lượng nước nhất định.

Do đó, những thực phẩm đóng hộp hoặc lên men tại nhà không đúng cách có thể tạo điều kiện thích hợp cho các bào tử phát triển và tạo ra độc tố botulinum. Khi ăn những thực phẩm này có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc.

Ngoài ngộ độc thực phẩm, botulinum còn gây ra các loại ngộ độc khác như ngộ độc ở trẻ sơ sinh (khi bào tử của vi khuẩn xâm nhập, phát triển vào ruột của trẻ và sinh ra độc tố gây bệnh); ngộ độc vết thương như khi bào tử xâm nhập vào vết thương từ tiêm chích ma túy, tai nạn xe… và tạo ra độc tố); ngộ độc do điều trị như khi tiêm quá nhiều độc tố botulinum, ví dụ trong thẩm mỹ. Ngộ độc ruột ở người trưởng thành tương tự như ngộ độc ở trẻ sơ sinh.

Triệu chứng của ngộ độc botulinum là gì?

Tất cả các triệu chứng của ngộ độc botulinum đều do tê liệt cơ gây ra bởi độc tố. Nếu không được điều trị, bệnh có thể tiến triển xấu dẫn đến tê liệt hoàn toàn một số cơ như cơ hô hấp, các cơ ở cánh tay, chân và thân. Trong bệnh ngộ độc thực phẩm, các triệu chứng thường bắt đầu từ 18 đến 36 giờ sau khi ăn thực phẩm bị ô nhiễm.

Các dấu hiệu và triệu chứng của ngộ độc botulinum có thể bao gồm khó nuốt, yếu cơ, nhìn đôi, sụp mí mắt, mờ mắt, nói lắp, khó thở, khó cử động mắt. Bên cạnh đó, các dấu hiệu và triệu chứng trong ngộ độc thực phẩm cũng có thể có bao gồm nôn mửa, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy.

Các dấu hiệu và triệu chứng ở trẻ sơ sinh có thể bao gồm táo bón, bú kém, sụp mí mắt, chậm phản ứng với ánh sáng, khuôn mặt ít biểu cảm hơn bình thường, tiếng khóc yếu nghe khác với bình thường, khó thở.

Tuy nhiên, người bị ngộ độc botulinum có thể không có tất cả các triệu chứng này cùng một lúc. Nếu có các triệu chứng ngộ độc botulinum, hãy đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

3 điều cần biết để phòng ngộ độc botulinum - Ảnh 1.

Không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp- SHUTTERSTOCK

8 chìa khoá phòng ngộ độc botulinum

Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, HCDC khuyến cáo người dân tuân thủ các chìa khoá sau:

– Trong sản xuất, chế biến phải dùng những nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm, tuân thủ theo đúng yêu cầu quy định về vệ sinh trong quy trình sản xuất.

– Trong sản xuất đồ hộp, phải chấp hành chế độ khử khuẩn một cách nghiêm ngặt.

– Chỉ sử dụng các sản phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

– Thực hiện ăn chín, uống sôi. Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín.

– Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không đông đá.

– Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối…), cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.

– Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc botulinum, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Lê Cầm