3 cách kiểm soát cảm xúc giúp cuộc sống tốt đẹp hơn

Trong cuộc sống, có nhiều vấn đề khiến chúng ta không thể kiềm chế cảm xúc, gây ra sự bực bội, tức giận. Nhiều người biết điều này sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ, công việc, thậm chí gây tổn thương đến mọi người xung quanh,… nhưng họ chưa biết làm sao để loại bỏ cơn tức giận của mình.

Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu tại sao không kiểm soát được cơn sân giận và biết cách kiềm chế cảm xúc tức giận hiệu quả. Mời quý bạn đọc cùng theo dõi!

Tại sao không kiềm chế được cảm xúc khi tức giận?

Tâm thái của người sân giận đó là bắt mọi thứ theo ý mình, không hiểu rõ mọi thứ xung quanh. Vì mong cầu tất cả phải theo ý mình, nên nếu không nhận được những điều như ý thì sẽ sinh ra sân giận.

Tâm thái của người sân giận đó là bắt mọi thứ theo ý mình, không hiểu rõ mọi thứ xung quanh (ảnh minh họa)

Tâm thái của người sân giận đó là bắt mọi thứ theo ý mình, không hiểu rõ mọi thứ xung quanh (ảnh minh họa)

Biết kiềm chế cơn sân giận có lợi ích thế nào?

1. Giúp giữ được sự tươi trẻ, xinh đẹp: Mỗi khi cơn bực tức khởi lên, chúng ta sẽ bị mất năng lượng, bởi nó chế tác những hormone không tốt trong cơ thể. Cho nên, người hay sinh tâm bực bội sẽ nhanh già và xấu. “Dưỡng chất tốt” để chúng ta giữ được sự tươi trẻ, xinh đẹp đó là vui vẻ và hoan hỷ.

2. Giúp tư duy sáng tạo, công việc hiệu quả: Việc làm chủ tâm mình, điều phục được cảm xúc bất thiện của mình giúp chúng ta có thể tự tại được với tâm, không bị cảm xúc tiêu cực chi phối.

Khi có được những năng lượng tích cực, chúng ta sẽ sáng tạo hơn, làm các công việc được hiệu quả; từ đó giúp cuộc sống sẽ vui vẻ, chất lượng và tốt đẹp hơn.

3. Giúp trưởng thành hơn: Trong cuộc đời này, ai muốn trưởng thành cũng đều phải là người làm chủ được cảm xúc của mình. Biết làm chủ được cảm xúc nhiều thì người đó sẽ vững vàng trong cuộc sống nhiều. Còn nếu không thì sẽ bị “xô đẩy” và tạo ra nhiều nghiệp khổ cho mình.

Ví dụ, nếu bị mắng mà sinh ra bực bội, chúng ta cũng có thể sẽ đánh, đâm người, điều này dẫn đến sẽ bị đi tù, tử hình.

Cách kiềm chế cơn nóng giận để tránh những bất hòa

1. Học cách tha thứ, thông cảm, yêu thương

Chúng ta phải biết xét kỹ tâm mình. Người biết xét kỹ tâm của mình thì sẽ biết được tâm của người khác, từ đó biết được cách thông cảm với mọi người. Chúng ta sinh tâm bực bội với ai là vì không hiểu và thông cảm được cho họ. Cho nên, chúng ta phải học cái thông cảm. Trong nhà Phật gọi đó là học cách yêu thương, tha thứ.

Chúng ta phải học cách yêu thương, tha thứ với mọi người (ảnh minh hoạ)

Chúng ta phải học cách yêu thương, tha thứ với mọi người (ảnh minh hoạ)

2. Học thiền định

Trong đạo Phật, Đức Phật đã hướng dẫn nhiều phương pháp để kiềm chế cơn nóng giận, trong đó có thiền định. Thiền định giúp chúng ta tập làm quen, thường xuyên nhìn lại tâm mình (hay còn gọi là quản trị tâm). Như vậy, người đó sẽ có thể dần dần khống chế và quản trị được tâm sân giận.

Ở Nhật Bản, nhiều doanh nghiệp cho các nhân viên ngồi thiền trước giờ làm việc khoảng 15 – 30 phút. Nhờ thời gian đó mà mọi người được quay lại làm quen với tâm mình. Ví dụ khi ngồi thiền, nhớ đến người này khiến chúng ta bực bội, cảm xúc lên thì chúng ta sẽ bắt đầu làm quen và xoa dịu nó. Sau khi ngồi thiền xong, chúng ta còn dư năng lượng của việc thiền, nếu đối duyên xúc cảnh (gặp cơn bực tức), chúng ta vẫn có thể khống chế được.

3. Tập hít thở sâu, đi tản bộ

Khi cơn bực tức xuất hiện, đầu tiên chúng ta đối trị bằng cách hít sâu rồi thở dài. Nếu bực mình quá thì có thể nắm bàn tay lại, hít thật sâu, đừng vội nói gì. Hoặc chúng ta có thể bắt đầu đi tản bộ, tránh những nơi sinh ra bực bội cho mình. Chúng ta có thể đi tản bộ tại vườn cây, bờ ao mát mẻ, hít thở để giúp xua tan cảm xúc bực bội.

Trên đây là những chia sẻ từ Thầy Thích Trúc Thái Minh về cách kiểm soát cảm xúc qua góc nhìn của đạo Phật. Từ đó, chúng ta cũng thấy được lợi ích của việc áp dụng Phật Pháp vào cuộc sống, để giúp giải tỏa được tâm trạng, giúp bản thân được vui vẻ, an nhiên hơn. Hãy thử áp dụng những phương pháp trên để chúng ta không bị rơi vào hoàn cảnh “giận quá mất khôn” các bạn nhé.

Thầy Thích Trúc Thái Minh