Nghệ sĩ Võ Minh Lâm: “Hãy quan tâm cha mẹ khi còn có thể”
Hẹn gặp nghệ sĩ Võ Minh Lâm – Quán quân cuộc thi “Ngôi sao Vọng cổ Truyền hình năm 2006” (tiền thân của “Chuông vàng Vọng cổ” bây giờ) vào một buổi chiều cuối tuần. Lâm vẫn vậy, hồn nhiên, dễ thương và chân thành trong cách trò chuyện.
Bài đăng trên Giai phẩm Vu lan 2023 – Mỹ thuật: Tống Viết Diễn |
Nói về nghề, Lâm hào hứng kể hết chuyện này đến chuyện khác, từ những ngày đầu chập chững bước lên sân khấu chuyên nghiệp, những kỷ niệm với vai diễn, đến những chuyến lưu diễn ngược xuôi bằng tất cả lòng yêu nghề, nhiệt huyết của tuổi trẻ…
Nhưng khi nhắc về cha – người thầy đầu tiên dạy cho Lâm ca hát, hun đúc cho Lâm tình yêu sân khấu, giọng của Lâm chùng xuống: “Thật ra, tôi cũng có chuẩn bị tâm lý cho mình, sinh – lão – bệnh – tử, không ai tránh khỏi. Nhưng khi đối diện, tôi mới thấu hiểu được thế nào là nỗi đau sinh ly – tử biệt. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không tin rằng mình đã mồ côi cha. Có nhiều lúc, tôi tự vùng vẫy với hy vọng có thể thoát ra khỏi cơn ác mộng này”.
Cha của Lâm – nghệ sĩ Duy Sơn qua đời vì đột quỵ đã gần 5 tháng. Hôm cha mất, tối đó, theo lịch biểu diễn, Lâm có mặt trong chương trình Vầng trăng cổ nhạc do HTV tổ chức với tiết mục ca cổ vui tươi, dí dỏm. Thật trớ trêu! Nhiều người khuyên Lâm nên bỏ show diễn đó, nhưng Lâm không muốn vì chuyện riêng của mình mà làm ảnh hưởng đến mọi người, đến chương trình. Và thiêng liêng hơn hết, Lâm muốn hát cho ba nghe lần cuối. Thế là Lâm cố nén nỗi đau, cố giấu những giọt nước mắt vào lòng để bước lên sân khấu, đem lời ca, tiếng hát của mình làm vui cho bao người.
Lo hậu sự cho cha xong, ngày tháng tiếp theo, Lâm từ chối tham gia các chương trình của Đài truyền hình một thời gian. “Tôi bị ám ảnh. Tôi sợ cái cảm xúc của đêm diễn ngay ngày tang cha lại ùa về, tôi sẽ không chịu nổi. Khoảng thời gian ấy, với tôi, mọi thứ đều vô nghĩa, vạn vật đều vô thường. Mới hôm qua, cha con tôi còn bên nhau, ba còn nấu cho tôi món ăn tôi thích,… Vậy mà hôm nay, tôi và ba đã âm – dương cách biệt. Tôi cảm thấy mình bị mất phương hướng, tôi không muốn làm gì, cũng không muốn phấn đấu nữa”, Lâm tâm sự.
Nhưng có một hôm đi ngoài đường, Lâm bắt gặp một người đàn ông dáng vẻ rất giống ba mình, Lâm cứ chạy xe theo suốt một quãng dài để nhìn. Rồi khi tình cờ đi giữa phố xá đông đúc, Lâm nghe chú bán hàng rong cất tiếng ca, lại thấy sao chất giọng ấy giống ba quá, Lâm bèn dừng xe lại để mua đồ giùm chú… Bất giác, trong những khoảnh khắc ấy, Lâm nhận ra rằng, ba không ở đâu xa, ba ở trong trái tim của mình. “Tôi ăn chay, niệm Phật cho ba đúng 100 ngày. Tâm tôi dần tĩnh lại, tôi nghiệm ra rằng những lời an ủi, sẻ chia của mọi người xung quanh chỉ là ‘liều thuốc giảm đau’ tạm thời, bản thân tôi phải tự hóa giải nỗi đau của mình. Tôi còn mẹ, tôi không thể gục ngã”, Lâm bày tỏ.
Cho đến giờ, điều làm Lâm cảm thấy an ủi phần nào là khi ba còn sống, Lâm cũng đã cố gắng lo cho ba có nhà cửa đàng hoàng, cuộc sống thảnh thơi, quan trọng nhất là Lâm đã tạo được niềm tin để ba và mẹ có thể yên tâm về nghề nghiệp, cuộc sống hiện tại của Lâm. “Tôi cứ nghĩ thời gian còn dài, mình còn có cơ hội để lo cho ba nhiều hơn. Vậy mà…”, Lâm nuối tiếc.
Lâm tự ví mình như chú chim nhỏ, bị gãy một bên cánh, nên sự chông chênh tất nhiên là phải có. Nhưng dù niềm hạnh phúc không còn trọn vẹn, Lâm vẫn phải tiếp tục đường bay của mình để làm chỗ dựa cho mẹ. Lâm chia sẻ: “Trước đây, khi hay tin ba người này mất, ba bạn kia qua đời, tôi đều gửi lời chia buồn. Nhưng chỉ khi ở trong hoàn cảnh đó, tôi mới nhận ra rằng, có những nỗi đau mà không ai có thể chia sẻ với mình. Giờ đây, mỗi lần nhìn anh chị em, bạn bè diễm phúc còn cha mẹ, tôi cảm thấy có chút ganh tị trong lòng.
Cho nên tôi nghĩ rằng, chúng ta cần phải quan tâm cha mẹ nhiều hơn bởi cái chết đến không hẹn trước. Chúng ta có thể bỏ ra hàng tiếng để lên mạng lướt web, tán gẫu với bạn bè nhưng chúng ta đã dành 5 phút để gọi điện hỏi thăm hay trò chuyện với ba mẹ mình chưa? Chúng ta có thể mua 100 hoa hồng để tặng người yêu, vậy có bông hoa nào mình dành cho mẹ, cho cha? Đức Phật có dạy, tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, chúng ta hãy cố gắng làm cho ba mẹ vui khi còn có thể, đừng để đến lúc người mất rồi, mới hối hận, ăn năn”.
Võ Minh Lâm sinh năm 1989 tại Cần Thơ, trong gia đình cha mẹ là đào kép hát cải lương. Ngày bé, Võ Minh Lâm không mơ trở thành một nghệ sĩ cải lương mà thích là giáo viên dạy Ngữ văn hoặc làm họa sĩ. Học hết lớp 9, Lâm đậu Trung cấp Văn hóa – Nghệ thuật Cần Thơ. Năm 2006, Võ Minh Lâm đoạt giải quán quân “Ngôi sao Vọng cổ Truyền hình” – Con đường ca hát chuyên nghiệp của Lâm bắt đầu từ đó.
Gần 17 năm theo nghề, Võ Minh Lâm đã đoạt các giải thưởng như: giải Mai Vàng, giải HTV Awards, Huy chương Vàng giải Trần Hữu Trang, Tài năng trẻ sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc… Năm 2019, Võ Minh Lâm được vinh danh là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam.
Nghệ sĩ Võ Minh Lâm ghi dấu ấn trong lòng khán giả qua những vai diễn như: Lý Nam Nam vở Trắng hoa mai, Lê Liêm vở Bến nước Ngũ Bồ, Lý Huệ Tông vở Dấu ấn giao thời, Triệu Sóc, Triệu Võ vở Đứa con họ Triệu, Cố Sầu vở Chuyện tình Khau Vai…