123 học viên theo học “Người dẫn chương trình Phật giáo” do Ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM tổ chức
Lễ khai giảng khóa đào tạo “Người dẫn chương trình Phật giáo” tại tu viện Khánh An (Q.12) vào sáng 9-3 – Ảnh: Quảng Đạo
Đó là số lượng học viên đăng ký tham gia khóa đào tạo “Người dẫn chương trình Phật giáo” lần đầu tiên do Ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM tổ chức, được công bố tại lễ khai giảng diễn ra tại tu viện Khánh An (P.An Phú Đông, Q.12), sáng nay, 9-3-2024.
Tham dự lễ khai giảng có Thượng tọa Thích Phước Nguyên, Phó Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự kiêm Chánh Văn phòng II T.Ư; chư vị Phó ban Trị sự GHPGVN TP.HCM: Hòa thượng Thích Nhựt Hỷ, Thượng tọa Thích Thiện Quý (Chánh Thư ký); các vị đại diện Ban Văn hóa T.Ư, các vị Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Ban Trị sự Q.12, Ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM, Phân ban Ni giới TP.HCM; các vị trong Ban Điều hành, Ban Giảng huấn, Tăng Ni, Phật tử học viên tham gia khóa đào tạo.
Đại diện chính quyền có bà Trần Ngọc Thanh, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ 1 – Ban Tôn giáo TP; ông Lê Trường Tồn, Phó phòng Nội vụ Q.12; bà Nguyễn Thị Quế Nhung, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN Q.12; đại diện các đoàn thể Q.12, P.An Phú Đông sở tại.
Thượng tọa Thích Trí Chơn phát biểu khai mạc |
Phát biểu khai mạc, Thượng tọa Thích Trí Chơn, Phó Trưởng ban Văn hóa T.Ư, Ủy viên Thường trực Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM, Trưởng ban Tổ chức cho biết: “Kể từ sau khóa bồi dưỡng nghiệp vụ dẫn chương trình ngắn hạn do Ban Văn hóa T.Ư tổ chức vào cuối năm 2019, đây là lần đầu tiên, dưới sự chỉ đạo của Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM tổ chức khóa đào tạo “Người dẫn chương trình Phật giáo” cho tăng Ni TP.HCM và 1 số tỉnh trong khu vực”.
Khóa đào tạo nhằm trang bị cho học viên các kỹ năng cơ bản về nghệ thuật dẫn chương trình lễ hội Phật giáo; cách phân biệt từng thể loại chương trình cụ thể; cũng như rèn luyện tiếng nói sân khấu, phong cách sân khấu, nghệ thuật diễn cảm, nghệ thuật biên soạn lời dẫn, kỹ thuật dàn dựng, viết kịch bản; đặc biệt là trau dồi nghị lực và đạo lực để người thực hiện vững chãi trước hội chúng đông người, đủ kinh nghiệm để điều khiển một chương trình lớn trong hoạt động, công tác văn hóa của Giáo hội.
Rất nhiều lẵng hoa của các đơn vị gửi đến chúc mừng |
Theo Thượng tọa Trưởng ban Tổ chức nhiều sự kiện lễ hội của các cấp địa phương diễn ra, người dẫn chương trình còn thiếu khả năng chuyên môn nên kết quả buổi lễ mang lại không như ý, một số người vận dụng quá cứng nhắc, chú trọng đến tính hoạt náo nhiều hơn, làm mờ nhạt chất đạo trong Giáo hội.
“Khóa học này, Ban Giảng huấn sẽ truyền trao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm dẫn chương trình một cách hài hòa, giúp học viên tiếp nhận và vận dụng một cách nhuần nhuyễn với chánh ngữ và chánh tư duy, để mang lại kết quả cao nhất cho người dẫn chương trình”, Thượng tọa Trưởng ban Tổ chức nhấn mạnh
Đại đức Thích Đồng Quảng báo cáo tiến trình tổ chức khóa đào tạo |
Đại đức Thích Đồng Quảng, Chánh Thư ký Ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM báo cáo tiến trình tổ chức khóa đào tạo “Người dẫn chương trình Phật giáo” năm 2024 tại tu viện Khánh An (Q.12).
Theo đó, được sự chấp thuận của Ban Trị sự GHPGVN TP. HCM và Ban Tôn giáo TP.HCM, Ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM tổ chức chiêu sinh và khai giảng khóa đào tạo “Người dẫn chương trình Phật giáo” dành cho Tăng Ni, Phật tử trên địa bàn TP và các tỉnh thành.
Thời gian đào tạo trong vòng 12 buổi, từ ngày 9-3 đến 13-4-2024, do chư tôn đức, người dẫn chương trình, giảng viên, nhà báo… có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực dẫn chương trình phụ trách truyền đạt kiến thức. Sau khi hoàn thành khóa học và đạt yêu cầu, các học viên sẽ được Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM cấp chứng chỉ chứng nhận.
Thượng tọa Thích Thiện Quý phát biểu |
Phát biểu chỉ đạo tại buổi khai giảng, Thượng tọa Thích Thiện Quý chuyển lời chúc sức khỏe của Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đến toàn thể chư tôn đức, các học viên khóa đào tạo “Người dẫn chương trình Phật giáo”.
Thượng tọa Chánh Thư ký Ban Trị sự Phật giáo TP nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở khóa đào tạo người dẫn chương trình trong các sự kiện Phật giáo, đặc biệt là trong thời đại mà Phật giáo hội nhập vào xã hội bằng các sự kiện văn hóa và tâm linh; cũng như đáp ứng được nhu cầu, thao thức của nhiều Tăng Ni trong việc cầm micro nói trước công chúng.
Các học viên tham dự |
Khóa đào tạo không chỉ truyền tải kiến thức, kỹ năng mà còn giúp các học viên nhận thức vai trò, trách nhiệm của mình khi cầm micro trong các sự kiện.
“Làm sao để người dẫn chương trình nói đúng nội dung và phù hợp với chủ đề là điều vô cùng cần thiết. Nếu như chúng ta cầm micro trong các sự kiện mà không dẫn khán thính giả, không đưa các đại biểu theo dõi được chương trình và có sức hấp dẫn trong các chương trình thì xem như không thành tựu”, Thượng tọa Thích Thiện Quý nhắn nhủ.
Thượng tọa Thích Phước Nguyên chia sẻ với các học viên tham dự |
Cũng tại buổi lễ, Thượng tọa Thích Phước Nguyên có nhiều chia sẻ gửi đến các học viên và mong rằng mọi người đem hết tâm mình tiếp thu các kiến thức, kỹ năng mà các vị giảng viên truyền tải trong 12 buổi học; cố gắng rèn luyện một cách chuyên sâu những điều mà mình học được và đặt hết tâm huyết của mình trong các sự kiện mà bản thân phụ trách dẫn chương trình.
Thượng tọa Chánh Văn phòng 2 T.Ư cũng mong rằng khóa đào tạo này là tiền đề để lan tỏa, tổ chức các khóa đào tạo người dẫn chương trình cho các ban ngành T.Ư trong thời gian tới.
Gần 130 học viên đăng ký tham dự khóa đào tạo |
Buổi lễ kết thúc sau lời phát biểu cảm tạ của Thượng tọa Thích Tâm Hoa, Phó Thường trực Ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM.
Một số hình ảnh ghi nhận tại buổi lễ:
Sau khai giảng, các học viên sẽ học vào thứ Bảy hàng tuần, buổi sáng từ 7 giờ đến 10 giờ, buổi chiều từ 13 giờ 30 đến 16 giờ 30, tại tu viện Khánh An (Q.12) |