11 quan niệm sai lầm về Thiền Minh Sát

Có một số quan niệm sai về thiền mà nhiều môn sinh mới theo hỏi tới hỏi lui liên tục. Chúng tôi xin giải đáp ngay để tâm trí mọi nguời không còn vướng bận bởi các khái niệm ban đầu không thật đó. Vã lại, nếu bước đầu đi sai, hành trình có thể bị khó khăn về sau.

 

Có một số quan niệm sai về thiền mà nhiều môn sinh mới theo hỏi tới hỏi lui liên tục. Chúng tôi xin giải đáp ngay để tâm trí mọi nguời không còn vướng bận bởi các khái niệm ban đầu không thật đó. Vã lại, nếu bước đầu đi sai, hành trình có thể bị khó khăn về sau.

Quan niệm sai lầm 1: Thiền chỉ là một phương cách thư giãn.

Từ gây sai lầm chủ chốt là chữ chỉ. Thư giãn là yếu tố quan trọng của thiền, và đúng là rất cần cho nhiều hình thức thiền. Nhưng Thiền Minh Sát nhắm mục đích cao cả hơn. Tất cả phương pháp thiền đều nhấn mạnh điểm chú tâm, gắn tâm chú ý vào một sự vật hay một ý nghĩ nào đó. Chú tâm như vậy một cách rốt ráo bạn sẽ đạt trạng thái thư giãn sâu lắng và vui sướng tột đỉnh gọi là Thiền na (Jhana). Trong trạng thái này sự tỉnh lặng sẽ tuyệt đối và hạnh phúc sẽ đạt. Đó là một hình thức vui sướng vô ngần mà tâm thức thường tình không thể nào vói tới. Nhiều pháp thiền dừng lại nơi đây, và hành giả phải lập đi lập lại pháp này mỗi khi muốn đạt kinh nghiệm ấy. Thiền Minh Sát không dừng lại ở đó mà nhắm mục tiêu cao hơn–tỉnh thức. Và chú tâm cũng như thư giãn được xem như hai yếu tố quan trọng xảy ra đồng thời với tỉnh thức. Chúng là những báo hiệu cần thiết, phương tiện và sản phẩm phụ, chớ không phải là mục tiêu. Mục tiêu là nội tâm. Thiền Minh Sát là một pháp hành trì tôn giáo thâm sâu không nhắm vào gì khác hơn là sự tịnh hóa và biến cải đời sống thường ngày của bạn. Chúng tôi sẽ nói nhiều hơn về những khác biệt giữa chú tâm (concentration) và nội tâm (insight) ở chương 14.

Quan niệm sai lầm 2: Thiền để xuất thần.

Quan niện này đúng đối với một số pháp thiền, nhưng không đúng với Thiền Mih Sát. Quán nội không phải là phép thôi miên. Bạn không tìm cách đóng kín tâm để không còn biết gì. Bạn cũng không tìm cách biến mình thành một thứ cây cỏ vô tri vô giác. Mà trái lại, bạn cải đổi từ từ theo sự biến đổi cảm quan của bạn. Bạn sẽ học biết mình một cách rõ ràng và chính xác. Trong lúc tập luyện, bạn có thể gặp trạng thái như bị thôi miên (xuất thần), nhưng không phải bị thôi miên. Người bị thôi miên do một tha nhân kiểm soát, còn người tỉnh thức luôn luôn sáng suốt và tự kiểm soát mình. Bạn tiến vô sự chú ý cao độ nhưng vẫn luôn luôn sáng suốt và tự kiểm soát mình chớ không bị tha lực chi phối như người bị thôi miên. Trạng thái kết quả có chút giống nhau, nhưng Thiền Minh Sát không nhắm vào kết quả đó. Như nói trước đây, sự chú tâm sâu của thiền na là phương tiện hay một viên gạch lót đường dẫn đến tỉnh thức. Vipassana, theo định nghĩa, là pháp trưởng dưỡng tỉnh thức. Nếu không còn biết mình (tỉnh thức) trong lúc thiền, bạn kể như không có thiền, theo nghỉa của từ thiền trong Vipassana. Đơn giản là thế đó.

Quan niệm sai lầm 3: Thiền là một pháp bí ẩn không thể hiểu được.

Một lần nữa, đúng nhưng không hẳn vậy. Thiền đề cập đến các tầng tâm thức nằm sâu hơn các tầng suy tư thông thường. Do đó có nhiều sự kiện thiền không thể tả nên lời. Nhưng không phải là không thể hiểu được bởi có cách hiểu không cần lời. Bạn hiểu thế nào là đi nhưng bạn đâu thể mô tả hết từ đầu đến cuối hoạt động của hệ thần kinh và cơ trong lúc đi. Nhưng bạn đi được. Thiền cũng cần được hiểu như vậy, tức bằng cách thực hành chớ không bằng ngôn từ trừu tượng. Nó cần được xác chứng bằng kinh nghiệm. Nó không phải là một công thức vô tri tự động đem lại kết quả có thể tiên đoán được. Bạn không bao giờ có thể biết trước chính xác những gì sẽ xảy ra trong một xuất thiền. Mỗi lần thiền là một thử nghiệm, một mạo hiểm. Lúc thiền, nếu bạn cảm nhận có thể tiên đoán hay thấy giống như là, bạn đang bị lạc hướng, đi đến chỗ ngưng đọng rồi; bạn hãy dùng cảm nhận đó như một chỉ điểm để biết mình đi sai đường. Tập nhìn mỗi giây đồng hồ như là giây đầu mà cũng là giây cuối (tức chỉ một giây duy nhứt mà thôi) của vũ trụ, rất là quan trọng trong Thiền Minh Sát.

02._Các_Giai_Đoạn_Tuệ_-_2

Quan niệm sai lầm 4: Mục đích của thiền là để thành một superman siêu linh.

Xin đừng. Mục đích của thiền là để phát huy sự tỉnh thức chớ không phải để đoán tâm ý người khác. Cũng không phải để bay lên không trung như siêu nhân. Mà là để giải thoát. Có một mối liên hệ giữa hiện tượng siêu linh và thiền nhưng rất vi tế. Một số thiền giả có thể gặp phải trong buổi sơ thiền (lúc mới bắt đầu). Ví như họ có thể thực chứng một vài hiểu biết do trực giác hay nhớ được một số sự việc trong kiếp quá khứ. Tuy nhiên không thể xem đó là khả năng tâm linh xác thực quan trọng có thể tin tưởng được. Các hiện tượng này khá nguy hiểm cho người mới thiền vì chúng có lực quyến rũ mạnh và có thể lái thiền sinh đi lạc lối. Chúng tôi khuyên bạn chớ nên quan tâm đến các hiện tượng này. Nếu chúng đến (chúng thường hay đến), tốt; nếu chúng không đến, không sao. Trong tiến trình thiền sẽ có thời điểm mà bạn sẽ thực tập trau dồi khả năng tâm linh của mình. Thời điểm ấy đến khi bạn đã vào sâu trong vườn thiền–có thể sau nhiều thập niên kinh nghiệm–và đạt được thiền na đủ thâm diệu để kiềm chế bạn khỏi bị tẩu hỏa nhập ma hay cả tử vong. Hơn thế nữa, sự phát triển khả năng tâm linh chỉ để phục vụ người đời. Do đó, bây giờ bạn đừng nên bận tâm mà chỉ nên chú trọng vào việc trau dồi tỉnh thức càng cao càng quý.

Quan niệm sai lầm 5: Thiền nguy hiểm và người cẩn thận nên tránh xa.

Mọi việc đều có thể nguy hiểm. Băng qua đường có thể bị xe cán. Bước vô phòng tắm có thể bị trợt chân gảy cổ. Thiền, bạn sẽ cào bới lên những điều không hay của quá khứ, và những thứ bị chôn vùi trong quá khứ có thể rất đáng sợ. Không có hoạt động nào là không có ít nhiều hiểm nguy, nhưng không phải nghĩ vậy rồi chúng ta thu mình trong tổ kén an toàn. Làm vậy đâu phải là sống, mà là chết yểu. Muốn tránh nguy nan, phải biết nó như thế nào, nó ở đâu, và đối đầu làm sao khi nó đến. Đó là mục đích của sách này. Thiền Minh Sát đồng nghỉa với phát triển tỉnh thức. Tự nó, Thiền Minh Sát không có gì nguy hiểm hết; trái lại, nó giúp tránh hiểm nguy nhờ tỉnh thức được trao dồi. Thực hành đúng, Thiền Minh Sát là một tiến trình dần dần, nhẹ nhàng, và tự nhiên. Không có gì hối hả hết. Chỉ sau khi được nương tựa nơi một thiền sư, bạn mới cần tiến hành nhanh. Còn bây giờ, trong lúc bắt đầu, bạn cứ thiền thoải mái và tất cả sẽ tốt đẹp.

Quan niệm sai lầm 6: Thiền dành cho thánh nhân chớ không phải cho người thường.

Quan niệm này rất thường thấy ở Á châu. Ở đây tăng ni và thánh nhân rất được trọng vọng, một sự trọng vọng đầy màu sắc tương tợ như nghi thức mà dân chúng Hoa Kỳ thường dành cho tài tử và thần tượng bóng rỗ. Tăng ni được khuôn đúc thành những người cao cả hơn dân thường và tô điểm với nhiều đặc tính mà người thường không theo kịp. Ngay bên Tây phương người ta cũng có quan niệm cho rằng thiền dành cho thánh nhân, rồi nghĩ rằng thiền giả là người rất sùng tín mà “bơ không thể tan trong miệng họ”. Hãy thử gặp người hành thiền rồi chúng ta sẽ biết ngay mình sai. Thiền giả chỉ là người có sinh lực và ý chí mạnh và sống cuộc đời dũng mãnh. Đúng là hầu hết thánh nhân tham thiền, nhưng không phải quý ngài tham thiền vì là thánh nhân. Ngược lại, quý ngài tham thiền nên là thánh nhân. Thiền dẫn quý ngài đến quả thánh nhân, vì quý ngài thiền trước rồi thành thánh nhân sau. Điểm quan trọng ở chỗ đó. Một số lớn thiền sinh có cảm tưởng người bước vô vườn thiền phải là người đức độ. Không phải vậy. Đạo đức đòi hỏi điều kiện kiểm soát tâm linh. Bạn sẽ không thể giữ giới nếu không biết kềm chế mình. Và nếu tâm bạn quay tít mù, bạn sẽ không thể nào tự kiểm soát được. Do đó, tu luyện tâm linh là đầu dây mối nhợ.

Có ba yếu tố không thể thiếu trong thiền Phật giáo: đạo đức, chú tâm và trí tuệ. Chúng tăng trưởng theo thời gian hành thiền. Chúng hỗ tương ảnh hưởng nên phát triển cùng một lúc. Có trí tuệ thông hiểu, từ bi sẽ đến tự nhiên; từ bi ở đây được hiểu như là tự giới hạn trong tư tưởng, lời nói và hành động để không làm hại ai cả. Người từ bi đương nhiên được tôn kính là người đạo hạnh. Sự thiếu hiểu biết thường gây phiền nhiễu, và người không thấy được hậu quả hay lầm lỗi. Người chờ để trở thành đạo hạnh trước rồi mới bắt tay vào thiền chỉ chờ hai chữ “nhưng mà” không bao giờ đến. Cổ nhân gọi người ấy là người đang chờ biển lặng mới xuống ngâm mình. Hiểu vậy rồi, chúng tôi xin trình bày ba mức độ đạo lý như sau:

Mức độ thấp nhứt là tuân theo một số luật lệ do người khác áp đặt, ví như một đấng tiên tri, quốc gia, tù trưởng, hay ông cha của mình. Không cần biết ai ra lịnh, người thi hành chỉ biết vâng lời. Một người máy cũng có thể làm được việc này. Và một con khỉ cũng có thể làm một số trò dễ do chủ nó dạy trước, nếu không muốn bị gậy lên đầu. Mức độ này không cần thiền gì cả. Chỉ cần sự huấn luyện và cây roi.

Mức độ kế tiếp là tuân theo luật lệ như trên và không cần roi. Người ở mức độ này biết chỉnh sửa mình mỗi khi đi lệch hướng. Mức độ này cần chút ít sự tự kiểm soát. Nếu tư duy bị rối loạn, hành động cũng bị rối loạn theo. Và tâm giúp giảm thiểu rối loạn tâm linh.

Mức độ trên hết, có thể gọi là đạo đức, là một bước nhảy vọt, một biến hóa, trong ấy không còn sự tuân thủ mù quáng mà cần trí và khả năng chọn lưa để tự quyết định lấy tùy trường hợp. Người ở mức độ cao này làm theo nhu cầu của mỗi trạng huống. Ngoài ra, họ phải vô tư để thoát vòng tự kiến và phải cân phân lợi hại để vừa lòng mình và vừa lòng người. Nói cách hác, họ phải chế ngự tham, sân, si và những thói hư tật xấu khác khiến họ không thấy quyền lợi của người khác. Chỉ có vậy, họ mới được xem như thật sự chọn đúng đường. Bực cao này nhứt định đòi hỏi thiền, trừ trường hợp người mới sanh ra đã là thánh sống. Không còn cách nào khác hơn. Cũng nên biết rằng tiến trình sàn lọc trong giai đoạn này rất công phu. Nếu thiền giả dùng tâm thức tìm cách tung hứng (to juggle) toàn thể niệm trong tâm, họ sẽ bị kiệt sức ngay, bởi vì trong thuật tung hứng, giữ tất cả vật tung hứng không cho rơi xuống đất là một việc làm không phải dễ. Rất may, các từng lớp sâu của tâm thức làm việc này một cách dễ dàng, và Thiền Minh Sát sẽ thực hiện công việc chọn lựa cho thiền giả. Siêu phàm!

Ngày nọ, bạn gặp câu chuyện rắc rối–ví như nghe tin em mình ly dị. Một vấn đề nan giải với vô số cái “có thể” mà chính Solomon cũng chịu thua. Hôm sau, trong lúc rửa chén và đang nghĩ vẫn vơ, bỗng nhiên bạn bựt ra một giải pháp. Bạn thốt lên “A ha!” rồi mọi việc được giải quyết trơn tru. Ngẩu nhiên như vậy chỉ đến khi bạn rời vòng suy luận và để cho tâm thức làm việc. Thiền dạy bạn cách tách rời mình khỏi tiến trình suy nghĩ. Đó là một nghệ thuật tâm linh rất cần thiết cho cuộc sống hằng ngày. Do đó, thiền không chỉ dành cho tu sĩ khổ hạnh hay ẩn tu, mà là pháp thuật thực dụng trong đời sống hằng ngày.

Rất tiếc, chính sự việc đó là một chuớng ngại đối với một số thiền sinh mới nhập cuộc. Họ mong đươc chứng đạt ngay, những chứng đạt vô biên và đầy màu sắc lẫn thanh âm vi diệu. Nhưng những gì họ đạt được chỉ là một lối đi hữu hiệu hơn để gạt bỏ rác rến thế sự và giải quyết tình trạng ly dị của cô em gái. Xin các bạn đó đừng nản. Giải quyết rác rến trước rồi tiếng gọi của thiên thần sẽ đến.

Quan niệm sai lầm 7: Thiền là chạy trốn thực tại.

Sai. Thiền là đi vào thực tại. Nó không cách ly bạn khỏi đau khổ của thế gian. Nó giúp bạn vô sâu vào đời và lục lọi tỉ mỉ mọi ngõ ngách của đời để bạn có thể xuyên thấu bức tường đau khổ và sống hạnh phúc. Vipassana là pháp nhắm đặc biệt vô thực tại để bạn thực nghiệm đời như-là một cách trọn vẹn và đối phó với những gì xảy đến. Nó giúp bạn đánh tan mọi ảo tưởng và giải thoát bạn khỏi các dối trá vì lễ độ mà bạn luôn nói với chính mình. Cái gì có là có. Bạn là bạn. Dối mình về những yếu điểm hay duyên cớ chỉ xiết chặc bạn vô vòng ảo tưởng. Thiền không chủ trương làm bạn quên bạn hay che dấu các khó khăn của bạn. Nó dạy bạn nhìn mình như chính là mình. Học thấy những gì trong đó và học chấp nhận. Chỉ có bằng cách ấy bạn mới tạo được sự hoán đổi.

Quan niệm sai lầm 8: Thiền là một phương cách làm tâm mình “bay bổng” một cách tuyệt diệu.

Đúng và sai. Thiền có tạo nên cảm giác hạnh phúc đôi khi, nhưng không phải lúc nào cũng được, và nhứt là đó không phải mục đích của nó. Vã lại, nếu bạn thiền trong tinh thần đó, hạnh phúc sẽ ít khi tới hơn là bạn thiền vì mục đích chánh của thiền là phát huy tỉnh thức. Sự tự tại là kết quả của sự thư giản và sự thư giản là kết quả của sự giảm thiểu áp lực. Đi tìm hạnh phúc trong thiền chẳng khác nào đem áp lực vô tiến trình để nó phá vở tiến trình. Đó là vòng lẩn quẩn. Bạn chỉ có thể tự tại khi không chạy tìm nó. Còn cảm giác “bay bổng” đâu phải khó tìm, bạn vô quán nhậu hay ra các gốc đường[3] là có ngay. Sự phớn phở[4] không phải là mục tiêu của thiền. Nó có đến nhưng chỉ được xem như một sản phẩm phụ. Nó rất tuyệt và đến thường xuyên hơn nếu bạn có nhiều kinh nghiệm thiền hơn. Thiền giả lâu năm chắc sẽ đồng tình với chúng tôi về ý này.

Quan niệm sai lầm 9: Thiền là ích kỷ.

Mới thấy thì như vậy. Đây là một thiền giả đang ngồi im lìm trên gối mền nhỏ. Nào ông có cho ai máu đâu? Không có. Nào ông có bận rộn cứu giúp ai đâu? Cũng không có. Nhưng hãy thử xem động cơ nào thúc đẩy ông? Tại sao ông ngồi đó? Ý định của ông là tịnh hóa tâm ông khỏi sân hận, thành kiến và tà tâm. Ông đang đi vào tiến trình tạo trạng thái thư giãn, loại bỏ sự vô tình và tìm cách diệt tham. Những ô nhiểm ấy ngăn che từ bi đối với nguời khác. Những gì ông đang làm thấy như chỉ là có lợi cho ông chớ không giúp ích ai cả. Giúp ích? Nên coi chừng! Không thiếu gì trường hợp nói là vì danh nghĩa giúp ích nhưng kỳ thật là để gây hại; trò này cổ không thua gì trái đất. Một vài ví dụ điển hình: quan tòa của Tòa Án Dị Giáo Tây Ban Nha oan oan buộc tội tài trời và phiên tòa yêu thuật Salem được dựng lên nói là vì nhân dân.

Hãy nhìn vào đời sống cá nhân của thiền giả có nhiều năm kinh nghiệm, bạn sẽ thấy họ có tham gia tích cực vào công tác nhân đạo. Nhưng bạn sẽ không thấy họ đi thập tự chinh vì lý tưởng mộ đạo, để phải hy sinh nhân mạng. Thật sự chúng ta còn ích kỷ hơn họ nhiều mà không hề hay biết. Bản ngã có cách biến các sinh hoạt cao thượng thành rác rến nếu không bị kềm chế. Nhờ thiền chúng ta biết chúng ta thật sự là ai bằng cách đi xuyên các con đường vi tế của tự kỷ. Rồi chúng ta sẽ thật sự bắt đầu hiểu thế nào là ích kỷ. Tịnh hóa tâm khỏi bị ích kỷ không phải là hành động ích kỷ vậy.

Quan niệm sai lầm 10: Trong lúc thiền, người ta ngồi đó dể nghĩ đến các tư duy cao xa.

Sai nữa. Có vài pháp làm như vậy, nhưng Thiền Minh Sát thì không. Thiền Minh Sát là hành trì tỉnh thức để biết rõ ràng những gì có đó và phân biệt tỉ mỉ chân lý tối thắng với rác vụn. Gì ở đó là có đó. Dĩ nhiên, ý niệm cao thượng có thể xuất hiện trong lúc thiền nhưng chỉ là những phụ phẩm hỷ lạc mà thiền giả không chối bỏ, cũng không cầu tìm. Thiền Minh Sát là một pháp rất đơn giản, nhắm mục đích giúp bạn chứng nghiệm đời mình một cách trực tiếp chớ không qua sự lựa chọn hay ký ức. Thiền Minh Sát giúp thiền giả nhìn các mảnh đời chiếu lại một cách sống thực chớ không qua ống kính thiên kiến. Nhũng gì xảy ra là xảy ra. Chỉ có vậy.

Quan niệm sai lầm 11: Sau vài tuần thiền mọi khó khăn sẽ được giải quyết hết.

Rất tiếc, thiền không phải là thần dược. Bạn sẽ bắt đầu thấy một số thay đổi, nhưng kết quả đúng nghĩa thì còn lâu. Đó cũng là cách mà vũ trụ hình thành và điều đáng giá không thể thành tựu trong nháy mắt. Trái lại, thiền rất khó, đòi hỏi kỷ luật chặt chẻ và sự luyện tập công phu. Sau mỗi thời thiền bạn sẽ gặt hái thêm được chút ít lợi lạc, nhưng những lợi lạc này rất vi tế, xảy ra trong các từng tâm thâm sâu và chỉ biết được về sau. Nếu bạn ngồi thiền để mưu cầu thay đổi lớn lao tức thì, bạn sẽ thất vọng. Nản, bạn sẽ bỏ cuộc và cho rằng thiền không đem lại lợi ích nào cả. Nhẫn là chìa khóa của thiền. Nhẫn nhục. Nếu bạn không học được gì lúc thiền, bạn cũng học được chữ nhẫn. Và đó là bài học rất đáng giá.

Chơn Quán Trần Ngọc Lợi dịch